Khai hội truyền thống chùa Quỳnh Lâm - Khu di tích đặc biệt nhà Trần

Lễ hội truyền thống chùa Quỳnh Lâm tại Quảng Ninh là dịp để du khách được chiêm ngưỡng pho tượng Phật ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam và tham quan "trường đại học" Phật giáo đầu tiên của cả nước.
Khai hội truyền thống chùa Quỳnh Lâm - Khu di tích đặc biệt nhà Trần ảnh 1Màn trống hội khai mạc lễ hội. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngày 20/2 (tức mùng 1 tháng Hai âm lịch), Lễ hội chùa Quỳnh Lâm Xuân Quý Mão năm 2023 đã khai mạc tại phường Tràng An, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.

Theo thông lệ, chùa Quỳnh Lâm mở hội từ ngày mùng 1 đến hết ngày mùng 3 tháng Hai âm lịch (tức từ ngày 20 đến hết ngày 22/2 dương lịch).

Lễ hội chùa Quỳnh Lâm năm nay có các nghi lễ dâng hương cầu quốc thái dân an, lễ rước tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, dẫn lễ từ các khu văn hóa, rước nước.

Phần hội tổ chức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, liên hoan văn nghệ các khu phố, đua thuyền truyền thống nam, nữ, bóng chuyền hơi nam, nữ và các hoạt động thể dục thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân, du khách thập phương chiêm bái, lễ Phật đầu Xuân.

Lễ hội chùa Quỳnh Lâm luôn được đông đảo tăng ni, phật tử và người dân, du khách mong đợi trong những ngày đầu Xuân mới. Đây là dịp để du khách thập phương tham quan "trường đại học Phật giáo" đầu tiên tại Việt Nam và chiêm bái pho tượng Phật ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam.

Chùa Quỳnh Lâm tọa lạc trên núi nhỏ Tiên Du, tại phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa thuộc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

Quỳnh Lâm kết nối với chùa Am-Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên (Đông Triều), cùng Vĩnh Nghiêm thuộc Bắc Giang, Sùng Nghiêm thuộc Hải Dương tạo thành hệ thống chùa chiền của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Theo các di văn, chùa Quỳnh Lâm được khởi dựng từ triều Lý, có tượng Di lặc lớn bằng đồng cao sáu trượng (khoảng 20 mét) nổi tiếng một thời.

Đến thời Trần, do có vị trí là cửa ngõ kết nối trung tâm Phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với các ngôi chùa khác trong vùng và các chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Quỳnh Lâm được mở rộng, đầu tư xây dựng thành một trung tâm Phật giáo.

Vào năm 1329, Quỳnh Lâm trở thành "Đệ nhất danh lam cổ tích của nước An Nam," là trung tâm truyền kinh giảng đạo, đào tạo hàng ngũ sư sãi cho đạo Phật nên cũng được gọi là "trường đại học Phật giáo" đầu tiên của cả nước

Các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa. Người có công lớn trong việc tu tạo, mở mang chùa để Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn của cả nước chính là Thiền sư Pháp Loa, Tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm.

[Kết nối chùa Quỳnh Lâm với các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần]

Chùa Quỳnh Lâm là di tích có giá trị quan trọng thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, có vai trò to lớn đối với lịch sử Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam.

Trải qua nhiều biến cố, binh hỏa tàn phá, Đến đầu thế kỷ 20, hầu hết các công trình kiến trúc nguy nga của Quỳnh Lâm bị hủy hoại hoàn toàn.

Đến nay, khuôn viên của chùa Quỳnh Lâm chỉ còn lại một số công trình cổ như tháp mộ, bia đá, các bậc rồng bằng đá xanh, hàng trăm tảng đá kê chân cột, khánh đá, chuông đồng…

Khai hội truyền thống chùa Quỳnh Lâm - Khu di tích đặc biệt nhà Trần ảnh 2Chùa Quỳnh Lâm. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Năm 2016, chùa Quỳnh Lâm được trùng tu, tôn tạo; giai đoạn 1 hoàn thành vào năm 2020.

Công trình có tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Dự án gồm các hạng mục xây dựng tam quan, kiến trúc trung tâm (Tiền đường, Trung đường, Hậu đường, hành lang) theo mặt bằng khai quật khảo cổ; xây dựng mới nhà bia, nhà trưng bày, nhà vệ sinh; tôn tạo tổng thể và hạ tầng kỹ thuật.

Chùa xây dựng mới theo dấu vết kiến trúc thời Lê, hình thức kiến trúc mang phong cách kiến trúc gỗ truyền thống, các thành phần và mô típ trang trí bằng đất nung theo các mẫu gốc thời Trần, Lê trên các bờ mái, lan can, thềm... Vật liệu chính sử dụng cho công trình là các vật liệu truyền thống như gỗ, gạch, đá…

Tháng 11/2020, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, chùa Quỳnh Lâm phối hợp với Ủy ban Nhân dân thị xã Đông Triều đã rước tượng Phật ngọc nguyên khối nặng 3,8 tấn về chùa Quỳnh Lâm.

Pho tượng Phật ngọc được tạo tác từ khối ngọc thạch có màu xanh lá cây tươi, nặng 3,8 tấn, cao 2,2m, có giá trị khoảng 20 tỷ đồng.

Khối ngọc thạch này được tìm thấy tại vùng Bắc Vancouver (Canada) và được đánh giá là khối ngọc thạch lớn và đẹp chưa từng thấy từ trước đến nay.

Pho tượng Phật ngọc được chạm khắc theo nguyên mẫu Phật Thích Ca tại thánh địa Bồ đề Đào tràng (Ấn Độ), theo tư thế ngồi thiền trên tòa sen, thần thái đầy từ bi.

Tượng phật được các nghệ nhân người Napal, Ấn Độ, Thái Lan tạo tác, hoàn thiện tại Thái Lan.

Đây được xem là một trong những bức tượng ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục