Khai giảng năm học mới tại Thanh Hóa, Cần Thơ và Thái Nguyên

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang đã dự khai giảng tại các điểm trường ở Thanh Hóa, Cần Thơ và Thái Nguyên.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Lễ Khai giảng Năm học mới tại Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú Ngọc Lặc. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Sáng 5/9, tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn công tác đã dự Lễ Khai giảng Năm học mới tại Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú Ngọc Lặc.

Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Trần Văn Thức đã đọc thư của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi ngành Giáo dục nhân dịp Khai giảng Năm học 2023-2024.

Đánh trống khai trường và phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết năm học vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã tiếp tục triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được những thành tích rất đáng khích lệ. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông đạt 98% trở lên, điểm trung bình xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm học trước.

Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đạt điểm 10 và số lượng học sinh đạt 27 điểm trở lên (theo tổ hợp 3 môn thi), có 1 học sinh thủ khoa khối B00. Chất lượng giáo dục mũi nhọn duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia bậc Trung học Phổ thông, Thanh Hóa có 61 học sinh đoạt giải, tăng 3 giải so với năm học trước; có 1 học sinh đoạt huy chương Bạc Olympic Quốc tế môn Vật lý lần thứ 53 tại Nhật Bản.

Chất lượng giáo dục khu vực miền núi của tỉnh có chuyển biến rõ rệt, có nhiều học sinh đạt giải Nhất cấp tỉnh các môn văn hóa, đạt điểm cao trong Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Công tác dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số được quan tâm; 100% trường dân tộc nội trú tổ chức học 2 buổi/ngày; học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được bố trí ăn, ở tại trường, góp phần hạn chế tối đa số học sinh bỏ học; từng bước giảm sự chênh lệch về chất lượng giáo dục miền núi với giáo dục miền xuôi.

Cô giáo Hà Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú Ngọc Lặc, cho biết được thành lập năm 2017, đây là trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú số 2 của tỉnh, là cơ sở giáo dục công lập chuyên biệt được Nhà nước thành lập cho con em dân tộc thiểu số, con em các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Qua đó, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa. Năm học 2023-2024, nhà trường có quy mô 18 lớp với 540 học sinh, với 5 dân tộc anh em cùng về học tập (Dao, HMông, Thái, Mường, Kinh).

Là ngôi trường non trẻ nhưng những năm qua, nhà trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Hằng năm, nhà trường đều có học sinh đạt giải Nhất, giải Nhì… tại các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh.

[Học sinh khắp mọi miền đất nước nô nức đến trường dự Lễ khai giảng]

Về kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhà trường luôn đạt 100% và xếp thứ hạng từ 3 đến 5 trên toàn tỉnh; 4 năm học liên tục nhà trường được Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Năm học 2022-2023, nhiều học sinh đỗ vào các trường Đại học có chất lượng cao trên cả nước. Song song với việc giảng dạy văn hóa, nhà trường rất quan tâm đến công tác giáo dục đặc thù cho học sinh, tổ chức nhiều hoạt động, giúp các em có thêm nhiều kiến thức về văn hóa truyền thống và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh nội trú luôn đảm bảo an toàn đạt hiệu quả.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn công tác đã trao 20 căn nhà tình nghĩa trị giá 1 tỷ đồng tặng 20 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; trao 200 triệu đồng tặng trẻ em nghèo trên địa bàn huyện Ngọc Lặc và nhiều phần quà tặng nhà trường. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chi nhánh Thanh Hóa ủng hộ 1,5 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học tỉnh Thanh Hóa.

Cũng trong ngày 5/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Đoàn công tác đến thăm Trung đoàn Không quân 923 thuộc Sư đoàn 371 Quân chủng Phòng không Không quân; thăm hỏi động viên gia đình cô giáo khuyết tật Lê Thị Thắm xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn; thăm Làng trẻ SOS Thanh Hóa và các gia đình chính sách trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Khai giảng Năm học mới tại Cần Thơ

Ngày 5/9, tại Cần Thơ, hơn 248.000 học sinh phổ thông đã đến trường Khai giảng Năm học mới 2023-2024. Tại điểm Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm quận Ninh Kiều có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tuyên dương tinh thần dạy và học của thầy cô, học sinh nhà trường. Phó Thủ tướng nhắn nhủ các học sinh để sẵn sàng làm chủ những tri thức mới, thích nghi với những đổi thay nhanh chóng toàn cầu, học sinh cần phát huy cao độ tinh thần tự học, tự khám phá, sáng tạo, trở thành những người học tập suốt đời, không ngừng nỗ lực phát triển bản thân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nói chuyện với học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Từ mái trường này, các em trưởng thành, trở thành công dân được trang bị kiến thức và kỹ năng toàn cầu, có lối sống văn minh, hiện đại, giàu lòng yêu nước, yêu con người-quê hương Việt Nam; luôn nỗ lực cao nhất để đóng góp sức mình cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý học sinh cả nước, nhất là các em ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là những người con của miền Tây sông nước, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, học sinh cần gương mẫu, tiên phong bằng những hành động thiết thực nhằm giữ gìn, bảo vệ môi trường. Từ đó, truyền cảm hứng để cùng cộng đồng chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn mỗi thầy cô hãy thắp lên trong các thế hệ học sinh Việt Nam ngọn lửa trí tuệ, lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, khát vọng vươn lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp; nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh - nơi mà mỗi em đều có cơ hội phát triển và thể hiện tài năng của mình. Các bậc cha mẹ luôn sát sao, đồng hành cùng nhà trường để con em được học tập và phát triển trong điều kiện tốt nhất.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, song hành cùng việc nâng cấp cơ sở vật chất, thiết trang bị học tập để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện thành công các mục tiêu về phổ cập giáo dục được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp."

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, với chủ đề “Ðoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo," năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục thành phố kiên trì tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện Chương trình Giáo dục Mầm non và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tặng quà lưu niệm cho Trường Đoàn Thị Điểm. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục thành phố tiếp tục đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; đổi mới quản trị nhà trường; xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo của người học. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Toàn thành phố Cần Thơ hiện có 15.332 cán bộ, giáo viên, nhân viên các cấp học; trong đó có trên 12.400 giáo viên. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố là 345/446 trường, đạt 77,35%./.

Lễ khai giảng tại Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc

Ngày 5/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tới dự Lễ Khai giảng Năm học mới 2023-2024 tại Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị nhà trường tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học; chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin để học sinh dân tộc thiểu số có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm sau này...

Đặc biệt, trường chú trọng bồi dưỡng, giáo dục học sinh về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa các dân tộc để mỗi học sinh của nhà trường là đại diện văn hóa của một vùng quê, một dân tộc; tạo điều kiện để các em được thể nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác để dòng chảy văn hóa không ngừng được nuôi dưỡng, lớn mạnh… Từ đó, các em học sinh tăng cường vốn hiểu biết, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời hiểu biết và tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em...

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Trưởng Phổ thông Vùng cao Việt Bắc là ngôi trường có bề dày truyền thống tại tỉnh Thái Nguyên. Để đáp ứng sự nghiệp đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số, đầu năm 1957, Khu ủy và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc quyết định thành lập Trường Thiếu nhi Vùng cao Khu tự trị Việt Bắc; tháng 9/1959 thành lập Trường Bổ túc Công nông Khu tự trị Việt Bắc.

Đến năm 1970, Khu ủy và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc quyết định sáp nhập hai trường thành ngôi trường mang tên Trường Bổ túc Công nông và Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Năm 1976, Khu tự trị Việt Bắc giải thể, trường trực thuộc Bộ Giáo dục quản lý và đổi tên thành Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

Theo Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc thay đổi cơ quan chủ quản từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

Tại Lễ khai giảng, các em học sinh được nghe Thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục. Nhà giáo Lục Thúy Hằng, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết trường hiện có hai hệ đào tạo là phổ thông dân tộc nội trú và dự bị đại học dân tộc cho hơn 30 dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc rất ít người như Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y.

Tính đến năm 2023, nhà trường đã đào tạo được khoảng 53.000 học sinh, sinh viên là con em của 32 dân tộc thiểu số thuộc 21 tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở ra. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học qua các năm học đạt trên 70%.

Hơn 300 học sinh của trường đạt học sinh giỏi Quốc gia và đoạt giải tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; học sinh nhà trường đã bước đầu tiếp cận với các kỳ thi quốc tế.

Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, hàng nghìn người là cán bộ chủ chốt ở các địa phương, là cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng… Năm học 2023- 2024, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc hân hoan chào đón hơn 900 học sinh lớp 10 Khóa 66.

Tại Lễ khai giảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang đã tặng hoa chúc mừng và trao tặng 10 bộ máy tính cho nhà trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục