Sau nhiều tháng “cửa đóng then cài,” một số đường bay thương mại tới Việt Nam đã được “bật đèn xanh” trở lại, mang theo các chuyên gia và lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, người Việt ở nước ngoài về nước… Song, số chuyến bay còn rất nhỏ giọt, mới có hai chuyến từ Hàn Quốc trong tháng Chín của Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Theo quy định của Chính phủ, hành khách trên các chuyến bay thương mại buộc phải thực hiện cách ly tại các khách sạn có trả phí. Do đó, số khách này muốn nhập cảnh, yêu cầu trước tiên là phải đăng ký cách ly ở một khách sạn trong chuỗi khách sạn được chỉ định.
[Dịch COVID-19: Thực hiện cách ly nghiêm túc là trách nhiệm công dân]
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mức phí cách ly cho 14 ngày tại khách sạn lên tới 40-50 triệu đồng như hiện nay là quá cao. Cá biệt có trường hợp hàng chục khách rủ nhau “bùng” khi được đưa về khu cách ly chỉ vì không chấp nhận phải chi trả số tiền lớn.
Vì sao xảy ra cơ sự và cách giải quyết vấn đề tương tự cho những hành khách trên các chuyến bay thương mại về sau thế nào cho “êm”?
Vì sao phải trả phí cách ly cao?
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận Tải, trước mắt sẽ mở các đường bay sẽ theo lộ trình và thứ tự ưu tiên. Các nước được ưu tiên sẽ là các địa bàn kiểm soát dịch tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia…
Hiện tại, với các địa bàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra phương án 1-2 chuyến bay/tuần.
Tuy nhiên, sau khi Vietnam Airlines có chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam ngày 26/9, Vietjet Air ngày 30/9 thì thông tin mới nhất từ Bộ này là kế hoạch đang phải dừng để thống nhất lại quy trình chặt chẽ hơn, thống nhất lại giá vé, chi phí cách ly… với người nhập cảnh.
Trong đó, vấn đề giá cách ly ở các khách sạn có trả phí đang được quan tâm. Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn đã có 36 khách sạn đăng ký làm nơi cách ly tập trung có thu phí, trong đó thành phố đã phê duyệt 15 khách sạn, với công suất sử dụng khoảng hơn 42%. Đặc biệt, có những khách sạn đã sử dụng 100% công suất như Mường Thanh Xa La (quận Hà Đông). Hiện còn 21 khách sạn đang chờ thành phố phê duyệt.
InterContinental Hanoi Westlake (quận Tây Hồ, Hà Nội) dành quỹ 60 phòng, áp dụng giá từ 3,5-4 triệu đồng/ngày bao gồm nhiều dịch vụ nhưng chưa tính phí bữa ăn cho khách. Mức giá tối thiểu 14 ngày cách ly tại “khu đảo” của khách sạn là 49 triệu đồng.
Còn Crown Plaza Hà Nội đang áp dụng giá phòng 6,7 triệu đồng/2 người/ngày với 3 bữa ăn, 4 món đồ giặt là, đã có thuế phí đến hết năm 2020.
Như vậy, khách phải trả tối thiểu 42 triệu đồng cho 14 ngày cách ly. Mức giá này có thể dao động tùy hình hình khách và diễn biến dịch bệnh. Thời gian qua đã có gần 100 khách Hàn Quốc lưu trú tại đây.
[Các khách sạn đã trở thành nơi cách ly tập trung an toàn thế nào?]
Tuy nhiên, không phải hành khách nào về Việt Nam cũng tuân thủ quy định cách ly.
Đáng kể nhất là trường hợp chuyến bay thương mại đưa 158 hành khách trở về trên chuyến bay VJ963 từ Incheon (Hàn Quốc) đến sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/9 vừa qua. Hầu hết các hành khách trên chuyến bay đã không đồng ý với mức giá cách ly khoảng 100USD/ngày tại khách sạn như cam kết ban đầu.
Chỉ có 3 hành khách trên chuyến bay này tuân thủ, một số người phản đối quyết liệt mức giá của khách sạn để được về các khu cách ly tập trung miễn phí, gây mất trật tự sân bay buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Sau đó, 43 hành khách đồng ý về khách sạn cách ly trả phí với mức 1,2 triệu đồng/ngày. Đến khi về khách sạn họ lại đổi ý, yêu cầu cách ly chung 4 người/phòng để giảm chi phí. Mọi thỏa thuận sau đó bất thành, khiến các sở ban, ngành có liên quan được phen “toát mồ hôi hột” mới dàn xếp ổn thỏa cho toàn bộ đoàn khách. Và, tất nhiên, chẳng ai trong số các “thượng đế” vừa phản đối kia chịu ở khách sạn giá cao.
Lý giải về mức chi phí cách ly cao, quản lý một khách sạn trên địa bàn Thủ đô cho hay, để tham gia công tác cách ly tập trung đòi hỏi nguồn lực lớn, không chỉ về nhân lực phải phục vụ riêng 24/24 giờ, mà cả những chi phí liên quan tới cơ sở vật chất, đội ngũ hậu cần, đảm bảo y tế phòng dịch cho cả người cách ly và nhân viên phục vụ…
Bởi những quy định và tiêu chuẩn phục vụ phòng chống dịch rất cao, nên chi phí ở cách ly tại khách sạn không thể như giá phòng lưu trú thông thường.
Thu phí trước khi bay?
Sau lùm xùm liên quan đến chi phí cách ly của chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam vừa nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng các hãng hàng không cần xây dựng quy trình chặt chẽ hơn.
Do chuyến bay thương mại tính chất hoàn toàn khác chuyến bay giải cứu nên cũng cần xem xét đến việc thu trước các khoản phí liên quan như phí xét nghiệm, một phần phí lưu trú khách sạn, phí vận chuyển…
Trả lời vấn đề này, phía các hãng hàng không thẳng thắn cho biết họ không liên quan đến vấn đề chi phí cách ly, việc của họ là bán vé cho những khách hàng được phép nhập cảnh. Những chi phí khác sau khi nhập cảnh, là do địa phương cùng với cơ sở cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm.
[Sẽ kiện toàn, thống nhất về chi phí cách ly với người nhập cảnh]
Trên thực tế, các khách sạn cách ly trả phí hiện nay hầu hết không có quy định bắt buộc phải trả trước phí cách ly (hoặc một phần) rồi mới được nhận phòng. Như thông tin từ InterContinental Hanoi Westlake cho biết, khách sạn không thu tiền trước của khách cách ly, mà tùy vào gói phòng khách mua có thể phải trả trước một số hạng mục nhưng con số này không đáng kể.
Điều đáng nói, thời gian tới khi các chuyến bay thương mại quốc tế được kết nối lại nhiều hơn, người chuẩn bị nhập cảnh cần được thông tin đầy đủ các chính sách, quy định của Việt Nam trong phòng chống dịch để hiểu và chấp hành nghiêm túc.
Đặc biệt, với một số vướng mắc hiện nay, nhất là chi phí cách ly tại khách sạn, Bộ Giao thông Vận tải đang cùng các bộ, ngành tiếp tục bàn bạc để thống nhất cùng các đơn vị lưu trú tại địa phương trong thời gian tới.
Mặc dù đã tổ chức thành công chuyến bay thí điểm đưa hành khách từ Hàn Quốc về Hà Nội ngày 25/9, nhưng một lãnh đạo của hãng hàng không quốc gia, cho biết hãng vẫn sẽ triển khai nhiều phương án để thống nhất quy trình đưa khách về an toàn.
Hãng cũng tích cực truyền thông cho hành khách quy định muốn mua vé máy bay về Việt Nam phải đặt khách sạn trước, giấy tờ xét nghiệm phải đầy đủ... Và mỗi hành khách khi mua vé đều được tư vấn những quy định cách ly ở khách sạn có thu phí, từng mức giá cụ thể để khách chọn lựa trước khi mua vé về.
Tuy dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát tốt trong nước nhưng tiếp tục diễn biến khó lường ở khắp nơi trên thế giới, bởi vậy những nỗ lực không chỉ cần đến từ phía các doanh nghiệp, hãng hàng không và các Sở, ban, ngành liên quan mà còn cần sự đồng lòng của từng cá nhân trên hành trình trở về dải đất hình chữ S.
Để sớm nối lại nhiều hơn các chặng bay thương mại quốc tế, nhằm đảm bảo mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế, điều quan trọng là hãy cùng nhau tuân thủ đầy đủ các quy định về cách ly an toàn, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh cho người nhập cảnh và cả cộng đồng./.
Giá cho một gói cách ly ở khách sạn cao cấp ở Việt Nam khoảng 25-40 triệu đồng tùy loại phòng, trung bình khoảng 2,2 - 2,5 triệu đồng/đêm, phục vụ ba bữa ăn mỗi ngày. Một số khách sạn 2-3 sao có mức giá cách ly “mềm” hơn, khoảng gần 20 triệu đồng/gói/người. |