Khách hàng phải trả phí khi gửi vàng tại ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng niêm yết công khai phí dịch vụ quản lý và khách hàng phải trả phí khi gửi vàng tại đây.
Khách hàng phải trả phí cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện dịch vụ. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết công khai phí dịch vụ quản lý, bảo quản, giữ hộ vàng; phải đảm bảo đủ điều kiện, cơ sở vật chất khi thực hiện nghiệp vụ quản lý, bảo quản, giữ hộ vàng.

Đó là nội dung công văn số 7935/NHNN-QLNH về dịch vụ quản lý, bảo quản, giữ hộ vàng của Ngân hàng Nhà nước ban hàng ngày 03/12/2012.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện đúng các quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 27/4/2012 của Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản (bao gồm cả dịch vụ giữ hộ vàng).

Các tổ chức tín dụng này không được trả lãi, lợi tức, phí và các hình thức khác cho khách hàng; hạch toán đúng tính chất tài khoản giữ hộ vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; công bố trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng biểu phí giữ hộ vàng cũng như thông tin cụ thể về các địa điểm thực hiện hoạt động giữ hộ vàng.

Ngoài ra, hàng tháng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi báo cáo về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) về tình hình giữ hộ vàng. Thời hạn báo cáo chậm nhất là ngày 5 hàng tháng.

Được biết, từ ngày 26/11, một số ngân hàng thương mại đã dừng nghiệp vụ huy động vàng ACB, Eximbank, Việt Á. Ngay sau đó, các ngân hàng này đã bắt đầu áp dụng mức phí giữ hộ vàng. Tại một số điểm giao dịch của Eximbank, phí giữ hộ vàng cho khách hàng là 0,01%/năm; ACB áp dụng mức phí 0,05%năm… Hiện tại, phí giữ hộ vàng được các ngân hàng thực hiện một mức riêng, chứ không có một mức chung cho hoạt động này.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, yêu cầu ngân hàng ngừng huy động vàng từ Ngân hàng Nhà nước là một trong những bước đi “đã được tính toán” nhằm tiến tới xóa bỏ “vàng hóa” trong nền kinh tế. Bởi khi các giao dịch cho vay và huy động vàng được loại bỏ, nhu cầu thị trường về vàng cũng sẽ giảm xuống, hạn chế những hệ lụy từ biến động lên xuống của giá vàng đối với nền kinh tế và người dân./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục