Khách hàng hưởng lợi đến 300 triệu đồng từ giảm lệ phí trước bạ ôtô

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.
Khách hàng hưởng lợi đến 300 triệu đồng từ giảm lệ phí trước bạ ôtô ảnh 1Công nhân lắp ráp ôtô tại Nhà máy ôtô Huyndai Thành Công Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Dù chưa rõ thời điểm bắt đầu áp dụng, nhưng với thông tin giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được ít nhất 15 triệu và cao nhất đến 298 triệu đồng.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trận tự an toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Mức giảm này không áp dụng đối với xe ôtô nhập khẩu về phân phối tại Việt Nam.

Hiện tại, ôtô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu từ 10 đến 12% trên giá bán xe, tùy theo địa phương.

Mức lệ phí trước bạ đối với ôtô con tại Hà Nội và 7 tỉnh, thành khác như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ là 12%; Hà Tĩnh có mức phí trước bạ là 11%; Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương còn lại chỉ áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%.

Tại thị trường ôtô Việt Nam hiện nay, xe sản xuất lắp ráp trong nước đang có giá bán thấp nhất từ 299 triệu đồng đối với Kia Morning và cao nhất đến 4,969 tỷ đồng đối với Mercedes-Benz S 450 L Luxury.

Ví dụ, chiếc Kia Morning bản thấp cấp nhất đang có giá bán 299 triệu đồng, lệ phí trước bạ đang áp dụng từ 10 đến 12%, người mua xe phải nộp từ 29,9 triệu đến 35,88 triệu đồng, khi được giảm 50% phí trước bạ, người mua xe chỉ cần nộp 14,95 triệu đến 17,94 triệu đồng.

[Bộ Công Thương: Cần thiết có giải pháp hỗ trợ cho ngành ôtô trong nước]

Hoặc các dòng xe đang bán chạy nhất thị trường ôtô Việt Nam như Toyota Vios đang có giá bán từ 470 triệu đến 570 triệu hay Hyundai Accent đang có giá bán từ 426 đến 542 triệu đồng; người mua xe được hưởng lợi ít nhất từ 21,3 triệu đồng và cao nhất đến 34,2 triệu đồng từ việc giảm 50% lệ phí trước bạ này.

Đặc biệt, với dòng xe sang sản xuất lắp ráp trong nước có giá bán cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Cụ thể, Mercedes-Benz S 450 lắp ráp trong nước đang có bán từ 4,2 tỷ đến 4,969 tỷ đồng, lệ phí trước bạ bình thường phải nộp từ 420 triệu đến 596 triệu đồng, nhưng khi chính thức giảm 50%, người tiêu dùng tiết kiệm được từ 210 triệu đến 298 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong tất cả các thương hiệu xe sang đang góp mặt tại thị trường ô tô Việt Nam có duy nhất thương hiệu Mercedes-Benz là doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước.

Khi chính thức giảm 50% phí trước bạ, Mercedes-Benz sẽ có thêm nhiều lợi thế so với các đối thủ đồng hương là Audi hay BMW do các thương hiệu này chỉ nhập khẩu về phân phối.

Dưới góc độ người tiêu dùng, anh Nguyễn Hoàng ở Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội, cho hay anh đang có ý định mua xe Honda CR-V, nhưng khi nghe tin Chính phủ đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất lắp ráp trong nước anh sẽ cân nhắc có thể chuyển sang mua xe Hyundai Tucson hoặc Mazda CX-5 để được hưởng ưu đãi này.

Theo anh Hoàng, mặc dù thời gian áp dụng mức giảm lệ phí trước bạ chưa thấy nói cụ thể, nhưng việc chuyển sang mua Hyundai Tucson 1.6 T-GDi bản đặc biệt đang có giá niêm yết 932 triệu đồng, sẽ giúp anh tiết kiệm được 56 triệu đồng từ việc giảm 50% phí trước bạ.

Số tiền này đủ giúp anh lắp thêm các phụ kiện và đồ chơi cho xe mà không phải chi thêm.

"Đặc biệt, nếu chuyển sang mua Mazda CX-5 trong tháng 5 này còn được nhà sản xuất ưu đãi giá đến 85 triệu đồng, chỉ sợ khi chính thức áp dụng việc giảm 50% lệ phí trước bạ, nhà sản xuất sẽ cắt ưu đãi này...,"  anh Hoàng nói.

Theo giới chuyên môn, việc giảm 50% lệ phí trước bạ không ảnh hưởng đến giá bán xe của doanh nghiệp bởi đây là khoản thu sau khi khách hàng đã mua xe, nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi do chỉ phải nộp một nửa phí như trước đây. Đứng trước sức ép này, xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc chắn chắn sẽ phải giảm theo mới có thể cạnh tranh và thu hút khách hàng về phía mình.

Bên cạnh đó, việc kích thích tiêu dùng này không chỉ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động mà còn giúp doanh nghiệp tiêu thụ xe tốt hơn sau thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

Cũng do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 nên doanh số bán của toàn thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 4 vừa qua chỉ đạt 11.761 xe, giảm đến 39% so với tháng trước và giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá của chuyên gia Vĩnh Nam trong lĩnh vực xe sang lâu năm, dù chưa rõ thời điểm bắt đầu áp dụng, nhưng việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, thị trường ôtô Việt Nam sẽ sôi động trở lại với khả năng doanh số bán xe sẽ tăng gấp 1,5 lần so với trước đây.

Trong các doanh nghiệp ôtô, Mercedes-Benz Việt Nam là hãng xe sang duy nhất ở Việt Nam có lợi nhất do có nhiều dòng xe lắp ráp trong nước, trong khi các hãng BMW, Audi và một số hãng xe khác không có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục