Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội dịp lễ 30/4 và 1/5 tăng đột biến

Theo Sở Du lịch Hà Nội, 4 ngày nghỉ 29/4-2/5, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 54.080 lượt khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch quốc tế lưu trú đạt 38.628 khách.
Du khách quốc tế thăm Hà Nội bằng xích lô. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ 29/4 đến 2/5), khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 54.080 lượt khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016, khách du lịch quốc tế có lưu trú đạt 38.628 lượt khách.

Khách du lịch nội địa đạt khoảng 235.400 lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch đạt 867 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của một số điểm tham quan trên địa bàn thành phố, từ ngày 29/4 đến 1/5, lượng khách du lịch năm nay đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, Lăng Bác đón khoảng 70.000 lượt khách đến viếng, đền Ngọc Sơn đón 15.888 lượt khách tham quan, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đón 20.835 lượt khách, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đón 5.085 lượt khách, vườn quốc gia Ba Vì đón 14.643 lượt khách, khu Đầm Long đón gần 6.000 lượt khách, chùa Hương đón gần 20.000 lượt khách, làng cổ Đường Lâm đón 2.172 lượt khách, chùa Tây Phương đón 2.010 lượt khách đến tham quan...

Trong dịp này, Sở Du lịch Hà Nội chỉ đạo các cơ sở lưu trú du lịch thực hiện việc bình ổn giá dịch vụ du lịch trước, trong và sau dịp nghỉ lễ, không để xảy ra tình trạng găm giữ phòng khách sạn và dịch vụ du lịch, gây sốt giá, kiếm lời bất chính, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của du lịch Thủ đô nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Kết quả kinh doanh khách sạn trong dịp nghỉ lễ năm nay đạt mức cao so với các năm trước, công suất sử sụng buồng trung bình khối 1-5 sao đạt 61,5%, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khối khách sạn từ 3-5 sao đạt 70%.

Một số khách sạn có công suất cao như Khách sạn JW Marriott đạt 90%, Crowne Plaza West Hanoi đạt 89%, Kuretake Inn đạt 70%...

Từ ngày 28/4 đến ngày 2/5, đoàn kiểm tra của Sở Du lịch Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 50 hướng dẫn viên du lịch, 15 lái xe vận chuyển khách du lịch tại một số điểm tham quan, di tích.

Đa số các trường hợp được kiểm tra đều chấp hành nghiêm túc việc đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch, có hợp đồng với công ty lữ hành, giấy điều tour, danh sách đoàn, lái xe có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ du lịch.

Lực lượng kiểm tra đã lập biên bản nhắc nhở 3 trường hợp hướng dẫn viên không đeo thẻ, không mang theo hợp đồng với công ty lữ hành và cần theo sát, phục vụ đoàn khách chu đáo.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy về cơ bản, ​Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, các Ban quản lý tại các khu, điểm được kiểm tra đã tập trung, tăng cường công tác tổ chức đón tiếp khách, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường...

Tại các khu, điểm được kiểm tra đã bố trí hàng quán dịch vụ ngăn nắp, dành riêng lối đi cho du khách. Việc trông giữ xe ôtô, xe máy và xe đạp được bố trí vị trí riêng, không gây cản trở giao thông, không còn hiện tượng trông giữ trái phép, tự phát, ép giá, không còn xuất hiện hàng rong, ăn xin, chèo kéo khách du lịch.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, tại một số khu, điểm du lịch vẫn tồn tại tình trạng mất vệ sinh môi trường, chưa triển khai công tác phòng cháy chữa cháy đầy đủ đến từng hộ kinh doanh trong khu, điểm như làng cổ Đường Lâm, làng nghề Gốm sứ Bát Tràng; việc thực hiện niêm yết giá chưa đúng quy định tại cơ sở kinh doanh dịch vụ (Bảo tàng Dân tộc học)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục