Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra

Có ý kiến cho rằng việc bỏ thanh tra cấp huyện sẽ khắc phục tình trạng “dàn đều” nhưng biên chế quá mỏng của các cơ quan thanh tra huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra ảnh 1Toàn cảnh phiên họp sáng 26/5. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tiếp tục cho ý kiến về mô hình thanh tra cấp huyện

Việc sửa đổi Luật Thanh tra nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự án Luật, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra; bên cạnh đó, còn một số ý kiến khác nhau về quy định hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra.

Dự thảo Luật kế thừa quy định về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện.

Tuy nhiên, về mô hình tổ chức thanh tra huyện, quá trình thảo luận còn có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra huyện. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, theo đó không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.

Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết khi đề xuất chính sách xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không tổ chức Thanh tra huyện. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

[Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ]

Mặt khác, nếu không tổ chức Thanh tra huyện thì Thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn phụ trách thanh tra địa bàn các huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không đáng kể.

"Vì vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)," Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Đọc báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban cơ bản nhất trí với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh; đồng thời đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Về mô hình tổ chức Thanh tra huyện, quá trình thảo luận, Ủy ban Pháp luật thấy còn có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện vì tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài.

Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện là cần thiết, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra."

Bên cạnh đó là bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương; bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho Thanh tra huyện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bên cạnh đó, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện hiện nay không phải do thiết chế này không còn phù hợp, mà do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; do đó, cần có giải pháp hiệu quả khắc phục hạn chế này.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra; theo đó, không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.

Lý do được đưa ra là báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ, ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra; biên chế rất ít nên không phát huy được hiệu quả, nên khi đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình, Chính phủ đã đề xuất không duy trì Thanh tra huyện.

Bên cạnh đó, việc bỏ Thanh tra cấp huyện sẽ khắc phục tình trạng “dàn đều” nhưng biên chế quá mỏng của các cơ quan thanh tra huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho Thanh tra tỉnh; trong khi đó vẫn bảo đảm nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra” vì nhiệm vụ của cơ quan Thanh tra huyện sẽ được chuyển cho Thanh tra tỉnh, các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân huyện.

Việc bỏ Thanh tra cấp huyện sẽ giúp giảm số lượng lớn đầu mối tổ chức thanh tra huyện, phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy.

Thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành việc tiếp tục mô hình tổ chức Thanh tra huyện.

Bỏ hình thức thanh tra thường xuyên

Dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng quy định các bước tiến hành thanh tra chặt chẽ, cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và phân biệt với các hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước. Dự thảo Luật sửa đổi quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra được áp dụng theo quy định của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thanh tra phù hợp với đặc điểm quản lý của ngành, lĩnh vực.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan nhà nước khác có tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ban hành quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành phù hợp với đặc điểm quản lý của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.

Về hình thức thanh tra, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành, có 3 hình thức là: Thanh tra theo kế hoạch; thanh tra thường xuyên; thanh tra đột xuất. Dự thảo Luật Thanh tra lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên. Việc bỏ hình thức thanh tra thường xuyên sẽ góp phần khắc phục tình trạng "chồng chéo, trùng lặp" dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra.

Bên cạnh đó, từ chỗ nhận thấy rõ thực trạng "hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra," Chính phủ đã chỉ đạo đưa vào dự thảo Luật nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các quy định của dự thảo Luật; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung, quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm toán với cơ quan thanh tra trong quá trình xây dựng định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra; chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về xử lý chồng chéo với hoạt động kiểm toán để thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục