Khắc phục thẻ vàng IUU: Rút giấy phép khai thác với chủ tàu vi phạm

Nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới với các chủ tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp.
Khắc phục thẻ vàng IUU: Rút giấy phép khai thác với chủ tàu vi phạm ảnh 1Lực lượng chấp pháp trên biển của Ninh Thuận tuyên truyền cho ngư dân về các quy định pháp luật trong đánh bắt hải sản (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có ý kiến đề nghị các địa phương ven biển tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đây là một trong những nỗ lực của Việt Nam nhằm tiến tới gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản khai thác.

[Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Công bố công khai tàu cá và chủ tàu vi phạm]

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương ven biển tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đảm bảo ngư dân, các tổ chức có liên quan hoạt động thuỷ sản phải có được các thông tin đầy đủ về việc cảnh báo "thẻ vàng" của EC; đồng thời phải nắm được nội dung cơ bản về quy định về khai thác IUU, nhất là đối với cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu hải sản khai thác để thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong 6 tháng cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, có các biện pháp cụ thể, cấp bách để quản lý, kiểm soát đội tàu của địa phương bao gồm: tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất bến và kiểm soát tàu cá tại cảng; thực hiện tốt cơ chế phối hợp và xử lý ngay giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển khi phát hiện các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đặc biệt, các địa phương có biện pháp xử lý quyết liệt như rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.

Đối với hệ thống giám sát hành trình trên tàu cá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương thu hồi tất cả các thiết bị Movimar đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài dưới 24m và lắp đặt các thiết bị đã được thu hồi cho các tàu cá có chiều dài 24m trở lên trên địa bàn tỉnh.

Sau khi thu hồi và lắp đặt thiết bị Movimar cho tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên còn thừa thiết bị thì bàn giao lại cho Cục Kiểm ngư để điều chuyển cho các tàu có chiều dài từ 24m trở lên nhưng chưa được lắp đặt thiết bị Movimar.

Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ tàu hoặc thuyền trưởng của tàu cá được lắp đặt thiết bị Movimar mở máy 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển và xử lý nghiêm đối với tàu cá không mở máy theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức nâng cấp thiết bị VX-1700 lắp đặt trên tàu và trạm bờ nhằm đảm bảo báo cáo tự động từ tàu về bờ.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương ven biển hoàn thành các giải pháp trên trước ngày 30/10/2018.

Đối với 2 tỉnh Kiên Giang và Bình Định, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn về việc chưa kiểm soát được tàu cá cập cảng, lên cá trong thời gian Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Uỷ ban châu Âu (Đoàn Thanh tra) đang kiểm tra tại Cảng cá Quy Nhơn (sáng 18/5/2018). Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC.

Bên cạnh đó, đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của Ban Quản lý Cảng cá Tắc Cậu trong việc cung cấp không đầy đủ hồ sơ liên quan đến tàu cá cập cảng ngày 9/5/2018.

Trước đó, từ ngày 16 đến 24/5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Uỷ ban châu Âu (Đoàn Thanh tra) đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện 9 khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Đoàn Thanh tra đã tiến hành kiểm tra, làm việc với các cơ quan liên quan của Việt Nam, kiểm tra thực địa tại 2 tỉnh Kiên Giang, Bình Định và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường EU.

Đoàn Thanh tra đã ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cơ quan Trung ương trong việc chống khai thác IUU, đặc biệt là việc hoàn thiện Luật Thuỷ sản đã nội hoá các quy định của quốc tế, các khuyến nghị của EC và sự phối hợp chặt chẽ với EC trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Thuỷ sản năm 2017.

Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra cho rằng, hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam tại các địa phương chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là triển khai trên thực tế còn yếu.

Các địa phương chưa chỉ đạo sát sao các cơ quan chuyên môn trong việc chứng nhận, xác nhận sản phẩm thuỷ sản khai thác; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp; mức độ xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa tạo được sự răn đe, chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế.

Theo kế hoạch, vào tháng 1/2019, đoàn Thanh tra của EC tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá và xem xét cụ thể việc khắc phục thẻ vàng và thực hiện các khuyến nghị của EC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục