Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành chức năng hữu quan và các huyện, thành phố có biển phối hợp quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động khai thác trên ngư trường.
Các ngành chức năng, địa phương có biển đảo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng nắm, thực hiện các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về lĩnh vực thủy sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép, đặc biệt là Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định về ranh giới vùng biển giữa Việt Nam với các nước, nhất là khu vực chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm.
Ngành thủy sản tỉnh phối hợp ngành chức năng các tỉnh có tàu cá hoạt động qua lại vùng biển của nhau tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên ngư dân an tâm bám biển, nhắc nhở thực hiện chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương nơi tàu cá hoạt động.
Đơn vị này phối hợp với ngành thủy sản các tỉnh có liên quan hỗ trợ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thuyền viên hoạt động khai thác thủy sản có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài, quản lý, kiểm soát tàu cá của tỉnh khác đến hoạt động trên ngư trường không để vi phạm pháp luật về đánh bắt thủy sản.
[Bước tiến mới để gỡ "thẻ vàng" của EC trong khai thác thủy sản]
Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang thực hiện nghiêm công tác tuần tra kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng phương tiện xuất, nhập bến tại các đồn, trạm ở cửa biển, cửa sông lớn, kiên quyết xử lý không cho xuất bến tàu cá không có đủ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định…
Các huyện, thành phố có biển tập trung theo dõi, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá của địa phương hoạt đồng dài ngày trên biển và thường xuyên xuất, nhập bến trên địa bàn của địa phương khác.
Các huyện, thành phố phối hợp chia sẻ thông tin kịp thời với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý tàu cá vi phạm pháp luật, khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.
Theo dõi, quản lý chặt chẽ số ngư dân đã vi phạm vùng biển nước ngoài được thả về nước, phát hiện và xử lý các trường hợp bị các thế lực thù địch tác động, mua chuộc, lôi kéo hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại địa phương…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hữu quan và các huyện, thành phố có biển phối hợp quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động khai thác trên ngư trường nhằm thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký kết đầu năm 2019 giữa 8 tỉnh Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau trong quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Thủy sản năm 2017; quy định về chống khai thác IUU và giải pháp hành động gỡ “Thẻ vàng” của Việt Nam.
Tỉnh Kiên Giang là một trong những địa phương có nghề khai thác đánh bắt thủy sản khá phát triển.
Các tàu khai thác hoạt động gần 20 loại nghề, thuộc 5 nhóm nghề chính: lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và dịch dụ hậu cần, trong đó hai họ nghề chiếm tỷ lệ lớn là lưới kéo và lưới rê.
Hiện nay, ngoài việc ký kết quy chế phối hợp với 8 tỉnh có biển khu vực Nam bộ và Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, Hải Đoàn 28, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 trong quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực khai thác thủy sản, tỉnh Kiên Giang đang triển khai sắp xếp lại nghề cá theo dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang”./.