Theo Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh Kiên Giang, từ tháng 8-11 năm nay, tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, chống IUU của tỉnh trong chiều hướng chuyển biến tích cực, góp phần gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, chia sẻ tỉnh nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, tuyên truyền, vận động, tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát, giám sát tàu cá, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm… và tàu cá vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài giảm đáng kể. Đặc biệt, tỉnh quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả 4 nhóm khuyến nghị của EC và chỉ đạo của Trung ương về chống IUU.
Sau 7 năm chống IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC, hệ thống chính trị tỉnh Kiên Giang vào cuộc với quyết tâm, nỗ lực rất cao, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như thành lập Tổ tuyên truyền, Ban Chỉ đạo IUU tỉnh và Chi cục Kiểm ngư để tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên ngư trường, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ban hành thư của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh kêu gọi bà con ngư dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng việc chống IUU, không đưa tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài, vì danh dự, lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Đại tá Huỳnh Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, cho biết đấu tranh chống IUU là nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị, thực hiện với tinh thần quyết tâm, quyết liệt. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng nghị quyết chuyên đề và xây dựng, triển khai các kế hoạch về phòng, chống IUU. Đơn vị phát động phong trào thi đua về chống IUU đến 100% cán bộ, chiến sỹ; cấp ủy, chỉ huy và cán bộ chiến sỹ từng đơn vị đã nỗ lực trong tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chủ động phát hiện đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, vi phạm IUU.
Hiện nay, 100% tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và các tàu cá khai thác đánh bắt trên biển được theo dõi, giám sát 24/7 để kịp thời thông báo cho thuyền trưởng, chủ tàu khi tàu cá mất kết nối, đồng thời, tỉnh đã hỗ trợ 3 đợt cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình cho 22.350 lượt tàu cá với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng; 100% tàu cá của tỉnh đã đăng ký, cập nhật lên phần mềm cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia Vnfishbase.
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm IUU. Cụ thể là điều tra, xác minh và xử lý dứt điểm 19 vụ/24 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và xử lý tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; xử phạt 304 vụ/394 thiết bị giám sát hành trình và xử phạt 597 vụ/638 tàu vi phạm khai thác trên biển; cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử 2 vụ, 6 bị cáo và khởi tố 15 vụ.
Tuy nhiên, trong chống IUU còn nhiều những khó khăn, đòi hỏi tỉnh cần tập trung quyết liệt, quyết tâm cao hơn nữa, khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém trong phát triển ngành thủy sản và chống khai thác IUU, trước mắt là góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo thẻ vàng và duy trì kết quả bền vững.
Từ đó, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án liên quan đến phát triển bền vững ngành thủy sản Kiên Giang. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về IUU.
Ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về chuyên môn, các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, củng cố hồ sơ để truy tố, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm IUU theo Nghị quyết 04 của Tòa án Nhân Tối cao để tạo sức răn đe. Tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với địa phương và Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tổ chức triển khai dứt điểm việc đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá “3 không;” đẩy nhanh tiến độ cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử eCDT cho các tàu cá nhằm giám sát sản lượng lên bến, kiểm tra tàu cá cập, rời cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
Đồng thời, chủ trì và phối hợp với lực lượng và địa phương xử lý dứt điểm tàu cá vi phạm thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo có kết quả, số liệu cụ thể để làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5. Tiếp đến, tỉnh yêu cầu Bộ đội Biên phòng Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tập trung điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm các tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đảm bảo có kết quả, số liệu cụ thể để làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5; kiểm soát chặt chẽ các tàu xuất, nhập bến, đặc biệt là tàu cá “3 không,” tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành; kiên quyết không để tàu cá không đủ điều kiện xuất bến.
Cùng đó, tỉnh yêu cầu Công an tỉnh Kiên Giang chỉ đạo lực lượng Công an, Công an các địa phương kiểm soát tình trạng tàu cá mua bán, chuyển nhượng không thực hiện sang tên đổi chủ, tàu cá “3 không.” Đồng thời, thực hiện cao điểm phối hợp điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các trường hợp vi phạm liên quan tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và các hành vi vi phạm khác.
Ngoài ra, tỉnh đề nghị Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng Trung ương tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát tại các khu vực biển giáp ranh với các nước Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Indonesia… để ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá vi phạm IUU và tàu cá Kiên Giang có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài./.
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam
Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam khẳng định EU ghi nhận phía Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp.