Ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cho biết, công ty đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh và đơn vị tư vấn kiểm tra, khảo sát, đánh giá nguyên nhân và đưa ra các phương án xử lý một số điểm sụt, trượt khu vực hồ chứa bùn đỏ Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
Việc xử lý, khắc phục các điểm sụt, trượt này sẽ được tiến hành ngay trong mùa khô năm nay.
Công ty Nhôm Đắk Nông thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam là đơn vị chủ đầu tư Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
Theo báo cáo của Công ty Nhôm Đắk Nông, khoảng đầu tháng Tám vừa qua, trong quá trình kiểm tra định kỳ, đơn vị phát hiện một số vị trí bị sụt lún, sạt trượt thoát nước ngoại vi của khoang số 1, 2 hồ bùn đỏ.
Công ty Nhôm Đắk Nông tiến hành khai thông dòng chảy, không để ảnh hưởng đến việc vận hành, an toàn của hồ bùn đỏ.
Thời điểm này, theo phản ánh của một số hộ dân thôn 1, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp có đất canh tác khu vực sườn đồi gần Hồ bùn đỏ xuất hiện các vết nứt trên ruộng rẫy của họ.
Vết nứt cách mương thoát nước ngoại vị của Hồ bùn đỏ khoảng 5-6m. Có vết nứt dài khoảng 100m, rộng 50-60cm, sâu khoảng 50-0cm.
Sau khi xảy ra sự việc, Công ty Nhôm Đắk Nông tiến hành mời đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Thủy lợi, Thủy điện thuộc Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam để xác định nguyên nhân, đưa ra biện pháp xử lý và phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xác định thiệt hại của ba hộ dân để lập phương án hỗ trợ, bồi thường thiệt hại.
[Phản hồi thông tin sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ]
Theo đánh giá, nguyên nhân sơ bộ dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt trượt do mưa lớn kéo dài, đất mái bờ có hệ số thấm nhỏ, không thoát kịp xuống rãnh thu nước ở đáy hồ; mặt khác mái hồ đã được phủ toàn bộ bằng màng chống thấm HDPE nên nước không thoát ra ngoài được làm cho toàn bộ đất mái bị bão hòa nước, khả năng chống trượt của đất giảm, dẫn đến sạt trượt.
Hiện tượng trượt chỉ xảy ra ở mộ số vị trí yếu nhất do thành phân bố thành phần đất trên mái không đều. Bên cạnh đó, do mực nước ngầm lên cao khi mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày gây bão hòa phần chân mái hồ dẫn đến sụt trượt.
Ông Ngô Tố Ninh khẳng định có một số thông tin nói quá trình thiết kế và thi công làm sạt lở hồ bùn đỏ là hoàn toàn không đúng.
“Bởi hồ sơ thiết kế Hồ bùn đỏ đã được Hội đồng của Bộ Công Thương thẩm định và khi thi công đơn vị tuân thủ hoàn toàn theo thiết kế có đơn vị tư vấn giám sát độc lập,” ông Ninh nói.
Về hướng khắc phục hiện nay, Công ty Nhôm Đắk Nông đang thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành làm các phương án xử lý, khắc phục để trình Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam phê duyệt để sớm triển khai thi công khắc phục các điểm sụt trượt.
Đồng thời, Công ty cũng phê duyệt kinh phí phương án hỗ trợ các hộ dân thuộc khu vực sụt lút đất và hỗ trợ năng suất cây trồng cho ba hộ dân, khoảng hơn 160 triệu đồng.
Về lâu dài, Công ty Nhôm Đắk Nông sẽ đề nghị Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam chấp thuận để công ty phối hợp với địa phương lên phương án hỗ trợ, đền bù lấy luôn phần đất rẫy bị sụt lún làm vùng đệm cho hồ bùn đỏ.
Về phía địa phương, tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công ty và huyện Đắk R’lấp kiểm tra và khẩn trương khắc phục.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo, Sở đã kịp thời xuống cùng với Công ty Nhôm Đắk Nông để kiểm tra khu vực sạt lở, khu chứa bùn đỏ số 2.
Sở đang phối hợp cùng với công ty để tìm hiểu nguyên nhân và sau đó yêu cầu công ty có biện pháp khắc phục kịp thời.
“Hiện tại, khoang này chưa có bùn đỏ, khoang xây dựng đang để dự phòng. Thiệt hại xảy ra chưa có vấn đề gì lớn liên quan đến tài sản của dân và vấn đề môi trường nhưng đây là sự cố về mặt kỹ thuật cần thiết phải khắc phục kịp thời,” ông Hiệp cho biết./.