Theo Báo cáo nhanh số 31, ngày 29/6 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, các tuyến đường QL4D, QL32, QL279, QL12, ĐT127, ĐT129, ĐT129B, ĐT130, ĐT135, ĐT136, đường Nậm Khao-Tà Tổng-Mường Nhé đã thông xe; tuyến đường QL4H dự kiến thông xe ngày 1/7.
Hiện tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh đang tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích và thăm hỏi gia đình bị thiệt hại, huy động tối đa lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục giao thông và khôi phục sản xuất để sớm ổn định đời sống.
Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương: Mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất tính đến 16 giờ 30 phút ngày 1/7 đã làm 51 người chết, mất tích và bị thương, 176 nhà bị đổ, cuốn trôi, 1.270 nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp, 1.896 nhà bị ngập nước, 1.047,59 ha lúa, 16,42 ha mạ và 946,75 ha hoa màu bị thiệt hại, 13.990 con gia cầm bị chết, 606,27 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ bị sạt lở nghiêm trọng, khối lượng sạt lở sơ bộ khoảng 2 triệu m3 đất đá. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 535,68 tỷ đồng.
Tuy vậy, người dân vùng lũ cảm thấy "ấm lòng" khi được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể và các nhà hảo tâm. Ngay sau bão lũ xảy ra, nhiều đoàn công tác của Trung ương và địa phương đã kịp thời xuống tận "rốn lũ" để chỉ đạo, hỗ trợ, khắc phục hậu quả. Hàng nghìn tỷ đồng đã được trao tận tay cho các địa phương và hộ gia đình bị thiệt hại bởi mưa lũ.
Ngày 2/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, để chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương miền núi phía Bắc tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát; giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường; khôi phục sản xuất.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh rà soát để lựa chọn vị trí nơi ở mới cho các hộ dân bị mất nhà do sập, sạt lở, lũ cuốn trôi để có phương án hỗ trợ hiệu quả, thiết thực đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; tổng hợp thiệt hại, chủ động huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả, trường hợp vượt quá khả năng báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ cho các tỉnh./.