Khắc phục đầu tư dàn trải bằng trái phiếu Chính phủ

Khắc phục đầu tư dàn trải vốn trái phiếu Chính phủ

Trong thực tế sử dụng trái phiếu Chính phủ hiện nay, một bất cập lớn là vốn do Chính phủ phải bố trí, nhưng tổng mức đầu tư công trình dự án lại do địa phương quyết định. Trong khi đó, ở một đất nước nghèo nhưng các địa phương thường "cái gì cũng muốn đầu tư." Vì thế, nhiều công trình bị xây dựng dở dang, chắp vá và một số công trình chưa xây xong đã hư hỏng. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chính sự phân quyền trong hệ thống hành chính Nhà nước không đúng dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải trong nhiều năm nay và rất khó khắc phục.
Ngày 7/6, Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012.

Trong thời gian qua, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được phân bổ đầu tư vào nhiều công trình quan trọng. Tuy nhiên, do đầu tư dàn trải nên nhiều đại phương luôn kêu thiếu vốn dẫn đến nhiều dự án, công trình phải tạm dừng lại. Để làm rõ vấn đề này, bên lề Quốc hội sáng ngày 7/6, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí.

- Ông đánh giá như thế nào về việc các Bộ, ngành địa phương sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các công trình trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đã tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công tác giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ được tăng cường trong những năm gần đây.

Việc tổ chức, triển khai thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm; nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và bước đầu phát huy hiệu quả. Tính chung trong cả giai đoạn 2006 - 2012, tỷ lệ giải ngân khá cao. Tình trạng nợ khối lượng xây dựng cơ bản trong thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ bước đầu đã được cải thiện. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo, triển khai việc cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án theo nghị quyết của Quốc hội.

Việc phân bổ và giao vốn trái phiếu Chính phủ trung hạn giai đoạn 2012 - 2015 đã tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc sắp xếp, bố trí nguồn lực theo thứ tự ưu tiên, trong đó tập trung bố trí vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong các năm 2012 - 2013, giảm dần tỷ lệ nợ đọng trong xây dựng cơ bản, giảm thiểu tình trạng lãng phí do bố trí vốn thiếu tập trung, dàn trải.

Các dự án, công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng là những công trình quan trọng thuộc các lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên, đặc biệt là những tuyến đường giao thông quan trọng của đất nước, đường tuần tra biên giới, đường ô tô đến trung tâm xã; các công trình thủy lợi quan trọng vùng nông thôn, vùng núi còn nhiều khó khăn; tăng cường công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; xóa bỏ trường lớp tạm, xây dựng nhà ở cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.

[Nâng cao quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ]


- Như nhiều đại biểu Quốc hội đề cập là có địa phương luôn phản ánh thiếu vốn để xây dựng dự án dẫn đến nhiều công trình phải xây dựng dàn trải, dở dang, chắp vá, điều này ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân. Vậy theo ông, tại sao lại có tình trạng trên và giải pháp khắc phục là gì?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Việt Nam là nước nghèo nhưng nhiều địa phương có quan điểm là cái gì cũng muốn đầu tư. Vì thế mới có chuyện, có công trình bị xây dựng dở dang, chắp vá và một số công trình chưa xây xong đã hư hỏng.

Theo tôi, để khắc phục tình trạng trên thì địa phương phải biết cân đối nguồn ngân sách được cấp để đầu tư những dự án hiệu quả nhất phục vụ nhân dân, tránh cái gì cũng muốn làm và khi thực hiện thì lại kêu vì thiếu kinh phí.

- Như vậy, có phải sự điều hành và phân quyền trái phiếu Chính phủ đã tác động lớn đến tiến độ xây dựng các dự án không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Việc phát hành trái phiếu có một bất cập lớn là vốn do Chính phủ phải lo, nhưng tổng mức đầu tư công trình dự án lại do địa phương quyết định. Điều này cho thấy, sự phân quyền trong hệ thống tổ chức hành chính, phân giao bộ máy Nhà nước không đúng.

Sự phân quyền trong hệ thống hành chính Nhà nước không đúng dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải trong nhiều năm nay và rất khó khắc phục. Như báo cáo của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, nhiều dự án có tổng mức đầu tư tăng gấp 9 lần. Tuy nhiên, theo luật, nếu tổng mức đầu tư của dự án tăng trên 15% thì địa phương phải xem xét lại dự án đó. Thế nhưng, địa phương lại có thẩm quyền trong việc phê duyệt dự án nên rất khó quy trách nhiệm cho ai.

- Theo ông, để giải quyết sự mâu thuẫn trên thì vai trò điều hành của Quốc hội sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi, Quốc hội chỉ nên phê duyệt tổng vốn trái phiếu Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Như vậy, Quốc hội sẽ giao cho Chính phủ quyền điều hành số tiền chỉ có vậy thì phải làm sao đầu tư các dự án có hiệu quả cao nhất.

Chính phủ sẽ phân vốn hàng năm cho các địa phương để xây dựng các dự án, công trình. Địa phương phải chọn lọc dự án đầu tư và phải chịu trách nhiệm với số vốn đã được phân cấp để xây dựng dự án; đồng thời phải có báo cáo với Chính phủ tiến trình thực hiện.

Thông qua kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 – 2012”, Quốc hội sẽ thấy rõ những bất cập trong sự phân quyền trong hệ thống hành chính Nhà nước để có hướng khắc phục và điều chỉnh. Khi có sự điều chỉnh rồi thì chúng ta mới quy định được trách nhiệm giữa các Bộ, ngành và địa phương.

- Thưa ông, chúng ta đã phát hành trái phiếu Chính phủ trung hạn. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều công trình mới phát sinh rất cần thêm nguồn trái phiếu. Vậy nguồn trái phiếu của Nhà nước đã phát hành có đảm bảo cung ứng cho các công trình mới không?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi khẳng định là đến nay, chúng ta chưa phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Chúng ta vẫn đang chỉ sử dụng 225.000 tỷ đồng trái phiếu trong vòng 5 năm (2011-2015) dùng để xây dựng các dự án, công trình. Đến thời điểm này, đề xuất bổ sung thêm trái phiếu Chính phủ là không có.


- Xin cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2006 - 2012, trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên, di dân tái định cư, vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí thực hiện 2.682 dự án (tương đương 2.863 dự án và tiểu dự án) với tăng mức đầu tư ban đầu là 409.415,5 tỷ đồng. Tính đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012, các dự án nêu trên đã điều chỉnh tăng mức đầu tư lên 684.794,5 tỷ đồng. Đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 2.029 dự án.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục