Khả năng toàn cầu hóa Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung

Hiệp ước INF cấm tất cả các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất của Mỹ và Nga có tầm bắn từ 500-5.500km, và với hiệp ước này, hai bên đã tiêu hủy khoảng 2.700 tên lửa như vậy.
Khả năng toàn cầu hóa Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung ảnh 1Hệ thống Iskander-K có khả năng phóng tên lửa 9M729, loại vũ khí tối tân khiến Mỹ luôn cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). (Nguồn: Sputnik/TTXVN)

Trên The International Interest mới có bài phân tích cho rằng Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đáng được duy trì và mở rộng bởi nó thiết lập các quy tắc chống lại tên lửa tầm trung và đã chứng minh các cơ chế có thể kiểm chứng.

Những nền tảng này giúp dễ dàng đưa hàng chục quốc gia không có tên lửa loại INF vào hiệp ước INF toàn cầu hay hỗ trợ đối thoại với các quốc gia có tên lửa loại INF.

Tháng 8/2019, Mỹ và Nga sẽ chấm dứt INF mang tính bước ngoặt trừ phi hai bên có thể giải quyết được những khác biệt đối với hiệp ước này.

[Tổng giá trị các đơn hàng tên lửa của Mỹ lên tới hơn 1 tỷ USD]

Hiệp ước INF cấm tất cả các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất của Mỹ và Nga có tầm bắn từ 500-5.500km, và với hiệp ước này, hai bên đã tiêu hủy khoảng 2.700 tên lửa như vậy.

Tuy nhiên, kể từ năm 2014, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Nga vi phạm hiệp ước khi tiến hành thử tên lửa hành trình thông thường 9M729 có tầm bắn hơn 500km và Nga được cho rằng hiện có khoảng 100 tên lửa này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ lo ngại về các loại tên lửa INF ở Trung Quốc và các quốc gia khác.

Mặc dù có rất ít cơ hội, song các quan chức chính phủ Mỹ vẫn bỏ ngỏ cơ hội tiếp tục duy trì INF nếu như Nga tuân thủ các điều khoản của hiệp ước này, đồng thời cũng đề xuất đưa một số quốc gia khác vào một hiệp ước giống như INF.

Trong Thông điệp Liên bang Mỹ, Tổng thống Trump lưu ý rằng: “Có lẽ chúng ta có thể đàm phán một thỏa thuận khác, có thêm Trung Quốc và các quốc gia khác.”

Vấn đề này sau đó đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra tại Hội nghị An ninh Munich.

Trước đó, vào năm 2007, Nga đã đề xuất và Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung với sự ủng hộ của Nga về một INF toàn cầu.

Một INF toàn cầu dường như là có thể thực hiện được bởi hầu hết các quốc gia không có tên lửa lớp INF cũng đều có thể tham gia vào hiệp ước.

Tuy nhiên, vẫn còn một vài quốc gia có khả năng không tham gia INF toàn cầu.

Mặc dù chưa rõ mức độ của lực lượng tên lửa ở các quốc gia này, nhưng các số liệu hiện nay cho thấy mối đe dọa tên lửa từ các quốc gia này không lớn như ước tính.

Tổng cộng có hơn 30 quốc gia có tên lửa, nhưng chỉ có 20 nước có tên lửa tầm ngắn với tầm bắn dưới 500km.

Hầu hết các tên lửa đó có tầm bắn là 120km, như SS-21, hoặc tầm bắn 300km, như các tên lửa Scud được mua từ Liên Xô cũ hoặc Triều Tiên.

Một ví dụ điển hình khác về tên lửa tầm ngắn là tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 ATACMS với tầm bắn từ 160km-300km.

Các quốc gia này, với hàng chục quốc gia khác không có tên lửa, cùng Anh và Pháp - có tên lửa hạt nhân tầm xa nhưng không có tên lửa loại INF - có thể tham gia một hiệp ước INF toàn cầu và sau đó hiệp ước này sẽ có thể bao gồm toàn bộ các nước ở châu Âu, Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Á và Đông Nam Á.

Có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á và Trung Đông có tên lửa loại INF, mặc dù những tên lửa này chủ yếu là các hệ thống có tầm ngắn đến tầm trung từ 500-1.000km.

Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Syria không có tên lửa tầm trung. Đài Loan được báo cáo là có 200-300 loại tên lửa hành trình mặt đất tầm ngắn cho tới tầm trung loại 200km-300km, và có thể đang chế tạo thêm 100 phiên bản nâng cao có thể đạt ngưỡng tầm trung.

Syria có hàng trăm tên lửa tầm ngắn và tầm ngắn đến tầm trung, nhưng đã cạn kiệt trong cuộc nội chiến.

Còn Hàn Quốc đang trong quá trình thử nghiệm thêm tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 500-800km, tuy nhiên, nước này có thể bị hạn chế thử nghiệm nếu muốn theo đuổi việc bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.

Triều Tiên có hàng trăm tên lửa tầm ngắn đến tầm trung và tên lửa tầm trung. Nếu Triều Tiên tiếp tục đàm phán hạt nhân-an ninh với Washington và Seoul, Bình Nhưỡng có thể phải áp dụng lệnh cấm thử nghiệm tên lửa.

Quá trình này có thể dẫn đến những hạn chế dần dần đối với các tên lửa của Triều Tiên, bắt đầu với các hệ thống tầm xa và xuyên lục địa, sau đó bao trùm các hệ thống tầm trung.

Trong khi đó, Israel có khoảng 25-50 tên lửa, Ấn Độ và Pakistan mỗi nước có khoảng 50 tên lửa hạt nhân tầm ngắn đến tầm trung hoặc tên lửa tầm trung (Ấn Độ cũng có một số tên lửa xuyên lục địa).

Trung Quốc có khoảng 100 tên lửa xuyên lục địa. Tên lửa đạn đạo thông thường thuộc lớp INF của Trung Quốc bao gồm hàng trăm tên lửa tầm ngắn đến tầm trung, chủ yếu nhắm vào Đài Loan. Ước tính nước này có khoảng 100 tên lửa tầm trung, một số có độ chính xác cao để nhắm vào các tàu sân bay Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc đã triển khai lữ đoàn tên lửa tầm trung đầu tiên vào năm 2016 và nếu có 2-3 lữ đoàn, họ sẽ có 40-60 loại tên lửa như vậy. Trung Quốc cũng trang bị vài trăm tên lửa hành trình lớp INF.

Nếu Trung Quốc hạn chế việc triển khai tên lửa gần mức hiện tại của họ, họ sẽ có khoảng 150 tên lửa đạn đạo thông thường có thể bắn tới lục địa Nhật Bản và khoảng 50 tên lửa đạn đạo có thể bắn tới đảo Guam.

Saudi Arabia có 30-50 tên lửa đạn đạo tầm trung mua lại từ Trung Quốc vào năm 1987-1988. Những loại này sẽ hết hạn sử dụng trong vài năm tới. Có thông tin cho rằng quốc gia này có một nhà máy để chế tạo tên lửa tầm trung mới nhưng vẫn chưa được xác nhận.

Trong khi đó, Iran có hàng trăm tên lửa tầm ngắn đến tầm trung và hơn 100 tên lửa đạn đạo tầm trung (một số nguồn tin cho biết có khoảng 300).

Nghị quyết 2231 (năm 2015) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi Iran không được thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo được thiết kế mà có thể mang vũ khí hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục