Khả năng thích ứng của người cao tuổi trong một thế giới đang thay đổi

Ngày quốc tế Người cao tuổi (1/10) được Liên hợp quốc lập ra năm 1990, nhằm mục đích tôn vinh những đóng góp mà người cao tuổi đã mang tới cho xã hội.
Khả năng thích ứng của người cao tuổi trong một thế giới đang thay đổi ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters.)

Thế giới hiện có hơn 1 tỷ người ở độ tuổi trên 60, trong đó phụ nữ chiếm gần 50%. Tuổi thọ trung bình toàn cầu hiện nay là 72 tuổi, trong đó nam giới là 70 tuổi và nữ giới là 75 tuổi. Hầu hết người cao tuổi sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Ngày quốc tế Người cao tuổi (1/10) được Liên hợp quốc lập ra năm 1990, nhằm mục đích tôn vinh những đóng góp mà người cao tuổi đã mang tới cho xã hội, nâng cao nhận thức về những cơ hội và thách thức mà người cao tuổi phải đối mặt, đồng thời kêu gọi một xã hội hòa nhập hơn cho mọi người ở mọi lứa tuổi.

Theo Liên hợp quốc, người cao tuổi có những đóng góp đáng kể cho xã hội thông qua các công tác tình nguyện, truyền lại kinh nghiệm và kiến thức, đồng thời giúp đỡ gia đình họ trên nhiều cương vị khác nhau. Liên hợp quốc mong muốn cộng đồng quốc tế xóa đi những định kiến tiêu cực và quan niệm sai lầm về người cao tuổi, đồng thời tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy tiềm năng của mình.

Chủ đề tổng thể được Liên hợp quốc lựa chọn cho Ngày quốc tế Người cao tuổi năm 2022 là  “Khả năng thích ứng của người cao tuổi trong một thế giới đang thay đổi” (Resilience of Older Persons in a Changing World). Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: "Những năm qua, thế giới đã chứng kiến nhiều sự biến động mạnh mẽ - và những người cao tuổi thường thấy mình ở tâm điểm của các cuộc khủng hoảng. Họ dễ bị tổn thương bởi một loạt các thách thức, bao gồm cả đại dịch COVID-19, khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng, xung đột và nghèo đói ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, khi đối mặt những mối đe dọa này, những người lớn tuổi lại truyền cảm hứng cho chúng ta thông qua khả năng phục hồi đáng khâm phục của họ.”

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết“Nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là xã hội và cộng đồng toàn cầu là giải quyết những thách thức về tuổi thọ - và giải phóng tiềm năng về tuổi tác, thúc đẩy sự hòa nhập xã hội, kinh tế và chính trị của tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”.

Theo ông Guterres, cam kết này đã được nêu trong Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc đảm bảo điều kiện học tập suốt đời, bảo trợ xã hội mạnh mẽ, chăm sóc y tế dài hạn, có chất lượng và dễ tiếp cận, tăng cường tiếp cận công nghệ kỹ thuật số, hỗ trợ giữa các thế hệ và sự tôn trọng dành cho người cao tuổi “là điều cần thiết.”

Quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc nêu rõ: "Người cao tuổi là nguồn kiến thức và kinh nghiệm to lớn, do đó cần phải nỗ lực để đảm bảo rằng họ tham gia tích cực và đầy đủ, đồng thời có những đóng góp thiết yếu. Bằng cách này, chúng ta sẽ xây dựng được những xã hội hòa nhập và thân thiện hơn, cũng như một thế giới kiên cường hơn."

Liên hợp quốc cũng đặc biệt lưu ý tới khả năng phục hồi và những đóng góp của phụ nữ cao tuổi. Theo đánh giá của cơ quan này, phụ nữ cao tuổi vẫn luôn có những đóng góp tích cực cho đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Tuy nhiên, những đóng góp và kinh nghiệm của họ phần lớn bị coi là "vô hình" và ít được quan tâm hoặc bị giới hạn bởi những rào cản về giới. Sự phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác và giới tính tạo nên những bất bình đẳng mới và làm trầm trọng hơn tình trạng hiện có, bao gồm cả những định kiến tiêu cực.

Liên hợp quốc cho rằng việc ghi nhận những đóng góp quan trọng của người cao tuổi là nữ giới, đồng thời lắng nghe quan điểm của họ là rất quan trọng để có thể tạo ra các chính sách phù hợp, nhằm nâng cao phản ứng toàn diện trong công cuộc phát triển bền vững. Các chuyên gia của Liên hợp quốc cũng ca ngợi vai trò của người cao tuổi là nữ giới trong việc xây dựng hòa bình, giải quyết xung đột và tạo động lực cho cộng đồng.

Trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với nhiều thách thức lớn, những tác động đối với người cao tuổi là không hề nhỏ, đặc biệt là đối với những người ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của những lỗ hổng hiện có trong chính sách, hệ thống và dịch vụ

[Tuổi thọ bình quân của người dân Nhật Bản tăng cao kỷ lục]

Giới chuyên gia cho rằng việc hiểu rõ mong muốn của người cao tuổi là rất quan trọng trong công tác xây dựng chính sách nhằm ứng phó các thách thức của địa phương, quốc gia và toàn cầu. Chuyên gia về Hòa nhập kinh tế và xã hội Nico Smith nhấn mạnh: “Tất cả những người cao tuổi đều có quyền được nhìn nhận, được đánh giá cao, được tham gia tất cả các quyết định quan trọng đối với họ, được bảo vệ và hỗ trợ.”

Thông điệp của Hội đồng châu Âu (EC) về Ngày quốc tế Người cao tuổi là "Hành động để đảm bảo tận hưởng đầy đủ quyền con người trong suốt cuộc đời". Ủy viên EC về quyền con người Dunja Mijatović nêu rõ: “Các quốc gia thành viên cần hành động để thúc đẩy quá trình lão hóa tích cực và đảm bảo rằng người cao tuổi ở châu Âu có thể hưởng đầy đủ các quyền con người của họ."

Khả năng thích ứng của người cao tuổi trong một thế giới đang thay đổi ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: DARPA)

Theo bà, để đạt được những mục tiêu này, những nguyên tắc cơ bản về quyền tự chủ, độc lập và tôn trọng phẩm giá của mỗi người phải luôn là trọng tâm trong chính sách về người cao tuổi của các chính phủ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện tới 50% dân số thế giới đối xử không công bằng với người cao tuổi, dựa trên những định kiến rằng họ sống phụ thuộc, sức khỏe yếu và năng lực kém. Điều này có thể dẫn tới bất lợi về quyền con người của người cao tuổi.

Do đó, các nước nên thực hiện mọi biện pháp phù hợp nhằm giải quyết vấn đề này, trong đó cần đảm bảo rằng luật pháp nghiêm cấm phân biệt tuổi tác trong mọi lĩnh vực.

Tại Australia, chính quyền bang New South Wales (NSW) đang khuyến khích người dân trên toàn bang đưa ra những sáng kiến nhằm chống lại những định kiến có nguy cơ cản trở người cao tuổi tham gia hoàn toàn vào xã hội. Bộ trưởng Bộ Người cao tuổi Mark Coure cho biết NSW có 1,9 triệu dân là người cao tuổi và mỗi người trong số họ đều đã và đang tiếp tục đóng góp những ý kiến có ý nghĩa cho bang.

Ông nhấn mạnh: “Người cao tuổi là một phần quan trọng trong cấu trúc cộng đồng của chúng ta. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải tích cực làm việc để chống lại những định kiến đang cản trở người cao tuổi tham gia với thế giới mà họ đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng. Cần đảm bảo rằng người cao tuổi không phải đối mặt với sự cô lập của xã hội. Họ vẫn có thể tiếp tục làm việc, sử dụng các dịch vụ, tham gia các hoạt động và tham dự các sự kiện.”

Theo số liệu của Tổng cục Dân số, Việt Nam là một  trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Việt Nam hiện có trên 11,4 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030, nước ta sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người cao tuổi.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác chăm sóc người cao tuổi để người cao tuổi được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất, được tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và phát huy “vốn quý của dân tộc”.

Năm 20220, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Già hóa dân số là một xu thế tất yếu của sự phát triển, và nhiệm vụ của mỗi quốc gia là biến thách thức của vấn đề này thành cơ hội, thông qua việc giúp người cao tuổi thích ứng với một thế giới đang thay đổi.

Liên hợp quốc khẳng định việc bảo đảm quyền của người cao tuổi, chăm sóc đầy đủ, toàn diện, giúp họ tiếp cận với một tuổi già vui vẻ và hạnh phúc, phát huy tri thức, kinh nghiệm của thế hệ đi trước, đem lại cơ hội để người cao tuổi tiếp tục đóng góp cho xã hội... có vai trò hết sức quan trọng. Đây cũng chính là động lực, nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững, hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi và “không bỏ ai lại phía sau”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục