Theo trang mạng foxnews.com, thời gian và địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai đã được ấn định. Ngày 27-28/2 tới đây, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại Hà Nội, Việt Nam, trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của họ trong vòng 8 tháng.
Đối với những người chỉ trích tổng thống Trump, câu chuyện có thể kết thúc trong thảm họa; còn đối với chính ông, cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên lần này có thể đem đến một cấp độ khác trong “việc thúc đẩy mục tiêu tiến tới hòa bình”.
Sau hơn hai thập kỷ, Washington không ngừng tập trung chính sách đối ngoại nhằm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc gỡ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một mục tiêu nằm ngoài khả năng của bất kỳ chính quyền nào của Mỹ.
Các trừng phạt kinh tế, sức ép ngoại giao hay đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự cũng sẽ không thể thuyết phục hoặc ép buộc Kim Jong-un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vốn được coi là công cụ bảo đảm an ninh cho chế độ của ông.
Có thể cần một tiêu chuẩn đo lường hoàn toàn khác để thành công, một thứ vượt ra khỏi khả năng tưởng tượng của việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược để cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà phân tích và các học giả ở Washington có thể yên tâm.
Rút cục, mục tiêu chính sách tối thượng của Mỹ với Triều Tiên không phải là phi hạt nhân hóa mà là hòa bình, an ninh và tình hình có thể dự báo trước trên bán đảo Triều Tiên.
Tại thời điểm hiện nay, không có triển vọng chế độ Kim Jong-un sẽ từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của mình.
Trong khi nhiều khả năng Triều Tiên sẽ nhất trí một số phần trong thỏa thuận như chấm dứt hoạt động thử nghiệm vũ khí và thậm chí ngừng sản xuất nhiên liệu hạt nhân, Nhà Trắng không thể lường trước được những gì sẽ diễn ra ngoài những phạm vi đó trong môi trường an ninh hiện nay.
Sau khi bỏ ra hàng tỷ đôla nghiên cứu, phát triển, xây dựng và củng cố năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong hơn một phần tư thế kỷ qua thay vì tập trung phát triển kinh tế, thì cớ sao Triều Tiên phải thay đổi mục tiêu cốt lõi của mình?
Với vị thế yếu hơn của Triều Tiên so với các quốc gia láng giềng giàu có và mạnh về quân sự, thẳng thắn mà nói Kim Jong-un sẽ chẳng dại gì mà từ bỏ năng lực hạt nhân.
May mắn thay, chỉ bởi vì phi hạt nhân hóa là không thể đạt được trong thời gian ngắn hạn, điều đó không có nghĩa Tổng thống Trump sẽ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh trong tháng này hoặc gây lãng phí thời gian.
Cuộc gặp sắp tới của Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội vẫn có thể sẽ thành công, nếu Tổng thống Mỹ không tập trung quá nhiều vào việc gỡ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên mà nên tập trung vào việc tạo ra một chế độ hòa bình và an ninh bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Quả thực, nếu Trump rời Việt Nam với một cam kết cùng có lợi từ Kim để chấm dứt gần 70 quan hệ thù địch giữa Washington và Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump hẳn là đã làm được điều gì đó mà những người tiềm nhiệm của ông không thể làm.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã chứng tỏ với cả thế giới rằng sự hòa giải với Triều Tiên có thể đem lại an ninh khu vực như thế nào.
[Tổng thống Mỹ lạc quan về cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với Triều Tiên]
Năm 2017, mối quan hệ liên Triều vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Hai miền Triều Tiên đã tiến hành các cuộc diễn tập “ăn miếng trả miếng” nhằm gửi đi thông điệp rằng xung đột có thể sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào.
Những động thái thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng và các cuộc tập trận pháo binh và chống pháo binh của Seoul đã làm tăng nhiệt đến mức một tính toán sai lầm về quân sự dù có chủ đích hay tình cờ đều có thể nằm ngoài khả năng kiểm soát.
Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao cá nhân của ông Moon với Triều Tiên hồi năm ngoái đã làm giảm đáng kể tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và có thể giúp tạo ra không gian cho các cuộc đàm phán Mỹ-Triều mà hiện nay đang tiếp tục diễn ra.
Mặc dù các mối quan hệ liên Triều vẫn chưa thể đi đến bình thường hóa, nhưng sự cải thiện trong mối quan hệ song phương sẽ đem lại lợi ích cho Seoul, Washington, Tokyo và toàn bộ khu vực Đông Bắc Á khi giảm bớt nguy cơ đối đầu quân sự và mở ra cơ hội cho hòa bình lịch sử.
Nhiều người ở Washington sẽ không hài lòng với ý tưởng bình thường hóa quan hệ hay ít nhất cải thiện quan hệ Mỹ-Triều chừng nào Bình Nhưỡng chưa từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.
Quan điểm thông thường này, tuy nhiên, là không hợp lý và nguy hiểm, vì nó sẽ phân loại những triển vọng cho một bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định hơn khi Mỹ vội vàng nhượng bộ Triều Tiên.
Điều này có thể gần đúng. Nhưng trên thực tế, nó trái ngược hoàn toàn - hòa bình không phải là thứ cho không Triều Tiên, mà trước tiên phi hạt nhân hóa phải đạt được trong dài hạn.
An ninh quốc gia Mỹ sẽ được củng cố đáng kể nếu có hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và sự hiểu biết lẫn nhau tích cực hơn giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Truyền thông sai lệch sẽ được quản lý thông qua các kênh ngoại giao, chứ không phải bằng chính sách bên miệng hố chiến tranh. Tình hình này sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các nước ở Đông Bắc Á.
Có người cho rằng Kim Jong-un có thể không đáng tin cậy khi có vũ khí hạt nhân trong tay. Lập luận này dựa trên sự cường điệu hơn là sự hợp lý.
Kim Jong-un hiểu rằng việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ hoặc bất kỳ đồng minh nào của nước này sẽ “chẳng khác nào tự mình ký vào bản án tử hình.”
Hơn 12 năm qua, Triều Tiên trên thực tế đã là một quốc gia hạt nhân. Sự ngăn cản có tác dụng đối với Kim Jong-un chỉ khi Mỹ chống lại Joseph Stalin, Nikita Khrushchev, Leonid Brezhnev và Mao Trạch Đông trong cuộc chiến tranh lạnh.
Khi Trump chuẩn bị cho cuộc gặp lần thứ hai với Kim, ông sẽ được khuyên phải ngăn chặn những "tiếng ồn" từ Washington. Nếu có thể đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa, nó sẽ phải diễn ra trong một thời gian dài.
Trong lúc này, Mỹ nên mạnh dạn cho các cuộc thảo luận mở và thực hiện các bước đi cần thiết để tiến tới mối quan hệ bình thường và mang tính xây dựng hơn với cựu thù (Triều Tiên) - một mối quan hệ như vậy có thể nhen nhóm khả năng về một Triều Tiên không hạt nhân vào một thời điểm nào đó trong tương lai./.