Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch 23/5 do sản lượng khai thác dầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể tăng cao tạo sức ép lên thị trường, bất chấp việc các nguy cơ địa chính trị có thể sẽ giúp giữ giá dầu gần các mức cao trong nhiều năm.
Vào lúc 13 giờ 36 phút giờ Việt Nam, tại Singapore, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm gần 0,5% (37 xu Mỹ) xuống 79,2 USD/thùng, sau đà tăng 35 xu Mỹ trong phiên trước. Tuần trước, giá dầu Brent từng có lúc chạm tới 80,5 USD/thùng-mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao kỳ hạn phiên này hạ gần 0,3% (21 xu Mỹ) xuống 71,99 USD/thùng, sau khi tăng lên mức 72,83 USD/thùng trong phiên trước – cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Michael McCarthy, chiến lược gia trưởng về thị trường tại CMC Markets, nhận định dường như thị trường đang dừng lại ở các mức hiện tại. Nếu Iran bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt, hầu hết các nước sản xuất dầu trong OPEC sẽ bơm thêm dầu, trong bối cảnh giá dầu tăng cao.
Các lo ngại về khả năng xuất khẩu dầu của Iran giảm sau khi Mỹ ngày 8/5 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử cùng Nhóm P5+1 (Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Mỹ cộng với Đức) ký kết với Tehran là nguyên nhân đẩy giá dầu lên các mức cao trong nhiều năm những phiên gần đây.
OPEC và các nguồn tin trong ngành dầu mỏ cho biết khối này có thể quyết định tăng sản lượng dầu ngay trong tháng 6/2018 do lo ngại về nguồn cung dầu của Iran và Venezuela và sau khi Washington tỏ ý quan ngai về đà tăng của giá dầu.
Hoạt động cắt giảm nguồn cung dầu được dẫn dắt bởi OPEC cho đến nay đã làm giảm đáng kể lượng dự trữ dầu dôi dư tại các nước công nghiệp hóa dựa trên các mục tiêu đề ra ban đầu trong khi dự trữ dầu tiếp tục giảm./.