Khả năng liên minh tình báo Five Eyes trở thành Nine Eyes

Hạ nghị sỹ Ruben Gallego đề nghị kết nạp thêm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đức vào liên minh tình báo Five Eyes, hiện gồm 5 nước Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada.
Khả năng liên minh tình báo Five Eyes trở thành Nine Eyes ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: defensenews.com)

Trang mạng asia.nikkei.com đưa tin năm 1941, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã thành lập một “phòng thu thanh” nhằm thu thập thông tin từ kẻ thù.

Kể từ khi sử dụng tên gọi Radiopress vào năm 1946, cơ quan này đã theo dõi các chương trình vô tuyến và vệ tinh của nhiều nước chủ nghĩa xã hội và đóng vai trò quan trọng trong thu thập tin tức tình báo của Nhật Bản.

Mặc dù chỉ theo dõi các chương trình công khai, nhưng nhờ bám sát khối lượng thông tin khổng lồ trong vòng 80 năm, Radiopress đã phát hiện cả những thay đổi nhỏ nhất.

Ngày nay, mặc dù phần lớn thông tin tình báo được thu thập qua mạng, hình ảnh vệ tinh và dấu vết của các tên lửa đạn đạo, nhưng nhờ nằm gần Triều Tiên và Trung Quốc cũng như có các chuyên gia ngôn ngữ thông thạo tiếng Hàn và tiếng Trung, Nhật Bản đã có những góc nhìn và đánh giá khá độc đáo về “những người hàng xóm khó tính này.”

[Cộng đồng tình báo Mỹ qua lăng kính của Tân Hoa xã]

Các báo cáo của Radiopress được chuyển đến cơ quan tình báo hàng đầu của Nhật Bản - Văn phòng Nghiên cứu và Tình báo Nội các (CIRO) - cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều cơ quan truyền thông tại nước này.

Nhiều quan chức Mỹ muốn Washington khai thác những thông tin như vậy của Nhật Bản.

Hạ nghị sỹ Ruben Gallego (Đảng Dân chủ-bang Arizona) - Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ phụ trách các hoạt động đặc biệt và tình báo - đã bổ sung đề xuất vào báo cáo ngân sách quốc phòng năm 2022 của Mỹ, đề nghị kết nạp thêm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đức vào liên minh tình báo Five Eyes (hiện gồm 5 nước Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada).

Ông đề nghị Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ phối hợp với Bộ trưởng Quốc phòng báo cáo Quốc hội nước này về các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo trong Five Eyes, cũng như khả năng chia sẻ thông tin tình báo với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đức trước tháng 5/2022.

Báo cáo cũng có thể cần nhắc đến "bản chất thông tin mà các nước này có thể đóng góp" và xác định những rủi ro khi mở rộng thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo.

Trao đổi tại cuộc hội thảo trực tuyến cùng hãng tin an ninh Defense One, ông Gallego cho biết Washington cần mở rộng hợp tác vì Mỹ không nên chỉ dựa vào hệ thống tình báo thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai và tập trung vào tiếng Anh.

Ông Gallego cho rằng Five Eyes đã "lỗi thời" và nêu rõ các quốc gia như Hàn Quốc có "những cơ sở tốt hơn tại Trung Quốc và châu Á mà chúng ta có thể hợp tác, nhưng chúng ta chưa tạo dựng được quan hệ để có thể chia sẻ thông tin giống như với các nước Australia, New Zealand hoặc Canada."

Ông khẳng định: “Vì vậy, chúng ta cần mở rộng phạm vi... Chúng ta không nên giới hạn việc chia sẻ thông tin chỉ trong 5 nước nói tiếng Anh.”

Tuy nhiên, một quan chức trong Five Eyes đã đánh giá thấp khả năng mở rộng mạng lưới tình báo này, đồng thời cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của các nước này và luôn mong chờ các biện pháp giúp họ tham gia trên cơ sở chung,... Nhưng tôi không mong đợi Five Eyes trở thành Nine Eyes vào lúc này."

Trong khi đó, tháng 12/2020, báo cáo Armitage-Nye lần thứ 5 của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage và Joseph Nye - nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách Công John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard - đã kêu gọi bổ sung Nhật Bản vào Five Eyes, đồng thời nhấn mạnh “Mỹ và Nhật Bản nên nghiêm túc nỗ lực hướng tới liên minh Six Eyes.”

Tại một sự kiện trực tuyến chuẩn bị cho việc công bố báo cáo, Armitage nói: "Những khó khăn khi chuyển sang Six Eyes... ở Nhật Bản là cần đưa ra một quy trình cho phép chia sẻ thông tin trong một phạm vi nhỏ các thành viên nội các."

Theo Armitage, Nhật Bản cần một cơ chế giống như ở Mỹ, nơi các thành viên Quốc hội nhận thông tin tại các cuộc họp giao ban tình báo dưới sự bảo mật nghiêm ngặt.

Trả lời trang mạng Nikkei Asia, một quan chức chính phủ Nhật Bản xác nhận “có nhiều quốc gia đang tiếp cận cộng đồng tình báo của Nhật Bản để tìm hiểu sâu hơn về các nước trong khu vực.”

Vị quan chức này cho rằng Nhật Bản đang thiếu một cơ quan chính thức tương đương với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các hoạt động thu thập thông tin tình báo của Tokyo không có quy mô.

Tuy nhiên, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có thể chọn tăng cường thu thập và chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia trong Five Eyes.

Trên thực tế, sau khi Thủ tướng Kishida triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia đầu tiên, dự kiến diễn ra ngày 13/10, ông đã khẳng định sự cần thiết phải xem xét lại chiến lược an ninh sao cho phù hợp với những thách thức hiện nay.

Bruce Klingner, cựu sỹ quan CIA và chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Quỹ Di sản cho rằng ngay cả khi có thêm nhiều nước tham gia Five Eyes, trước khi chia sẻ, các thông tin tình báo sẽ được chia thành nhiều lớp tùy theo mức độ nhạy cảm.

Ông Klingner nói: “Không phải 5 nước đều có được tất cả thông tin một cách hiển nhiên... Ngay cả trong Five Eyes, chúng tôi cũng có mức hạn chế khác nhau đối với các thông tin được chia sẻ. Ví dụ, chúng tôi có các thông tin chỉ dành riêng cho Mỹ hoặc có thông tin dành riêng cho Mỹ và Anh.”

Klingner tiết lộ thông tin nhạy cảm nhất là thông tin tình báo về con người (HUMINT) do các điệp viên sở tại thu thập.

Klingner cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc cung cấp những thông tin mà Five Eyes còn thiếu, đồng thời khẳng định: “Mỗi quốc gia đều có các cơ quan tình báo và khả năng thu thập của riêng mình, và các quốc gia khác nhau lại có thế mạnh khác nhau trong từng mục tiêu”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục