Khả năng Iran nhận được gói tín dụng nhiều tỷ USD từ Pháp

Các khoản tín dụng này được cho là sẽ hỗ trợ nước này phần nào sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm tê liệt nền kinh tế và ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Kỹ thuật viên làm việc trong một cơ sở làm giàu urani ở Isfahan, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một số nguồn tin thân cận cho biết Pháp đang đề xuất cung cấp cho Iran các khoản tín dụng có tổng trị giá khoảng 15 tỷ USD cho đến cuối năm nay, đổi lại Teheran phải hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân bước ngoặt được ký kết năm 2015 giữa nước này và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).

Dù vậy, đề nghị này vẫn cần sự chấp thuận của Washington để trở thành hiện thực.

Theo các nguồn tin, một phái đoàn của Iran đã có mặt tại Paris hôm thứ Hai (ngày 2/9), bao gồm các quan chức ngành tài chính và dầu mỏ, để bàn thảo kỹ hơn các chi tiết về những hạn mức tín dụng.

Các khoản tín dụng nói trên được cho là sẽ hỗ trợ nước này phần nào sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm tê liệt nền kinh tế Trung Đông và ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của họ.

[Iran đòi 15 tỷ USD để tuân thủ trở lại cam kết thỏa thuận hạt nhân]

Một nguồn tin cho biết hiện câu hỏi đầu tiên là liệu các bên có thể thỏa thuận được mức tín dụng 15 tỷ USD này hay không.

Câu hỏi tiếp theo là ai sẽ tài trợ cho các khoản tín dụng này? Và cuối cùng, liệu thỏa thuận này có nhận được sự chấp thuận, ít nhất cũng là sự chấp thuận ngầm, từ phía Mỹ hay không? Nguồn tin cho biết các bên vẫn không chắc chắn hoàn toàn về thái độ của Washington.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Iran có tiếp xúc gần gũi với các cuộc đàm phán cho biết Pháp đã đề nghị cung cấp khoản tín dụng trị giá 15 tỷ USD, nhưng Iran vẫn đang thảo luận về vấn đề này. Điều cần đảm bảo ở đây là Tehran sẽ có quyền tiếp cận khoản tín dụng trên một cách tự do, đồng thời có thể bán dầu và tiếp cận các khoản tiền của nước này.

Quan chức này nói thêm rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang hết sức nỗ lực để giải quyết vấn đề và giúp cứu vãn thỏa thuận. Các bên đã khắc phục được một số vấn đề và thu hẹp một số khoảng cách, nhưng vẫn còn nhiều việc phải giải quyết.

Một quan chức Iran thứ hai cho biết mặc dù Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt là Pháp có thiện chí, họ nên thuyết phục Mỹ hợp tác với họ.

Nếu không, Iran vẫn rất nghiêm túc trong việc cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Không có lí gì để Tehran tôn trọng thỏa thuận nếu điều đó không mang lại lợi ích cho nước này.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 3/9 cho biết, vẫn còn một số vấn đề cản trở nỗ lực do Pháp dẫn dắt, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.

Phát biểu với báo giới tại Paris liên quan tới các cuộc hội đàm giữa Tehran và 3 nước châu Âu Pháp, Anh và Đức nhằm giữ thỏa thuận hạt nhân tồn tại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Le Drian nêu rõ: "Vẫn còn nhiều việc phải làm, (thỏa thuận) vẫn vô cùng mỏng manh."

Nhà ngoại giao này nói thêm rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảm thấy Tổng thống Trump đã để ngỏ khả năng nới lỏng chiến lược gây sức ép tối đa để tìm ra con đường có thể cho phép đạt được một thỏa thuận.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) diễn ra ở Pháp vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ra cởi mở với ý tưởng về các hạn mức tín dụng, mặc dù các quan chức Washington đã từ chối loại bỏ các lệnh trừng phạt.

Iran đã từng nói rằng họ muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân, nhưng không thể tuân thủ nó vô thời hạn trừ khi các nước châu Âu tham gia ký kết đảm bảo Tehran sẽ nhận được những lợi ích kinh tế như đã được cam kết.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang gặp nhiều khó khăn trong việc hòa giải những căng thẳng giữa Tehran và Washington kể từ khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5/2018 từ bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc.

Cũng trong năm ngoái, Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran và thắt chặt chúng trong năm nay.

Iran đã phản ứng bằng cách vi phạm một số giới hạn đối với vật liệu hạt nhân trong thỏa thuận hồi 2015, thậm chí tuyên bố sẽ có những động thái mới về vấn đề hạt nhân vào thứ Năm (ngày 5/9) tuần này trừ khi châu Âu giữ lời hứa sẽ cứu vãn thỏa thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục