Tuần quan, thị trường giao dịch có hai phiên điều chỉnh khá mạnh, song kết hợp với phiên bứt phá đầu tuần và phiên phục hồi cuối tuần, VN-Index nối tiếp đà tăng điểm ở tuần thứ sáu liên tiếp đồng thời duy trì xu hướng đi lên trong trung dài hạn.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức 1.232,21 điểm (tăng 0,51%) và HNX-Index cũng phục hồi lên mức 245,25 điểm (tăng 1,17%).
Thanh khoản giảm nhẹ
Số liệu ghi nhận từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thanh khoản trên sàn HoSE đạt 112.625 tỷ đồng/tuần và giảm nhẹ 1,3%, theo đó khối lượng giao dịch giảm tương ứng 0,4% so với tuần trước.
Tại sàn HNX, thanh khoản thị trường tăng 11,1% với 10.984 tỷ đồng được giao dịch trong tuần. Đáng chú ý, thị trường chứng kiến phiên giao dịch đầu tuần xác lập lập kỷ lục năm 2023 với tổng cộng 28.588 tỷ đồng.
[Phiên giao dịch ngày 11/8: VN-Index vượt mốc 1.230 điểm]
Trong tuần qua, các nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang bán ròng 692 tỷ đồng tại sàn HoSE sau 3 tuần mua ròng liên tiếp đồng thời thoát ròng 48,5 tỷ đồng phía sàn HNX.
Ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích của SHS cho biết trong tuần, thị trường đón nhận nhiều thông tin đáng chú ý. Cụ thể tại phiên họp thường kỳ tháng Bảy, Chính phủ khẳng định không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2023. Điều này cho thấy quyết tâm rất cao trong công tác điều hành của Chính phủ ở các tháng còn lại của năm. Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp với Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới lại công bố dự báo hạ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ 6,3% xuống 4,7%.
Trên thị trường, giá xăng tăng thêm 30 đồng /lít, dầu tăng 1.130 đồng/lít-1.810 đồng/lít kể từ 15h ngày 11/8.
Về phía thị trường chứng khoán, rổ cổ phiếu tại MSCI Small Cap Index đã loại 120 mã và thêm mới 245 mã cổ phiếu của Việt Nam trong tháng Tám.
Trên cơ sở dữ liệu thông tin đó, nhóm các cổ phiếu nhỏ có diễn biến tích cực hơn các nhóm cổ phiếu tầm trung và bluechips, trong đó VC7 (+37,8%), PXL (+26,7%), PXI (+25,2%), HHS (+21,09%), QCG (+9,17%)…
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu tài chính đã tăng 3,7% chủ yếu đến từ nhóm “ngành con” là bất động sản, như VIC (+16,72%), VRE (+7,14%), NVL (+5,56%), DXG (+4,38%), HTN (+4,15%)…
Mặt khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng có diến biến phân hóa, tăng ấn tượng nhất là STB (+10,02%), LPB (+7,83%), CTG (+3,55%), SSB (+4,83%), VCB (+0,33%), trong khi nhóm cổ phiếu giảm điểm gồm BID (-3,51%), ACB (-6,15%), SHB (-2,63%)…
Ngoài ra, các nhóm ngành khác kết thúc tuần hầu hết đều diễn biến phân hóa và kém tích cực hơn tuần trước đó.
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2308 tăng 13,5 điểm (+1,1%) trong phiên cuối tuần, tiếp tục bám sát và duy trì chênh lệch thấp (-1,2 điểm) so với VN30. Các kỳ hạn lớn hơn VN30F2309, VN30F2312 VN30F2403 chênh lệch từ âm 4,87 điểm đến âm 0,77 điểm. Ông Thành nhấn mạnh điều này cho thấy các nhà đầu tư không quá bi quan về mức điều chỉnh của VN30 trong tuần.
Thị trường củng cố ngắn hạn
Theo ông Thành, thị trường vận động cho thấy VN-Index đang hình thành vùng điều chỉnh và tích lũy lại. Và, sau khi xu hướng đi lên được xác nhận lại, chỉ số sẽ tiếp tục vận động tích cực. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục hình thành các nền tảng củng cố ngắn hạn nhằm tích lũy động lực tăng.
“Ở khu vực vận động hiện tại, VN-Index không đối diện với ngưỡng cản thực sự rõ ràng song chỉ số đang dần tiệm cận khu vực cản mạnh và chưa có nhịp điều chỉnh thực sự từ khi thị trường hình thành xu hướng đi lên trước đó. Do vậy, thị trường có những phiên điều chỉnh và rung lắc mạnh là bình thường. Nhịp điều chỉnh khả năng sẽ còn tiếp tục diễn ra và qua đó tích lũy thêm trước khi có nhịp tăng mới,” ông Thành nói.
Về góc nhìn kỹ thuật, nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chỉ ra VN-Index đã kết thúc tuần trong sắc xanh. Đó là nhờ lực cầu tích cực đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tại khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo sau khi hình thành “đỉnh” đầu tiên, thị trường đang dần chuyển hướng hồi phục lên trở lại. Tuy nhiên, khu vực 1.250 điểm của VN-Index vẫn là ngưỡng kháng cự mạnh của thị trường trong ngắn hạn. Vì vậy, xác suất VN-Index tiếp tục rung lắc và tạo đồ thị 2 đỉnh vẫn cần được tính đến. Trên bình diện đó, các nhà đầu tư cần quản trị tối đa rủi ro trong ngắn hạn.
Nhóm phân tích của VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư cần chủ động thu gọn lại danh mục đồng thời giảm bớt sở hữu những mã cổ phiếu đang có diễn biến yếu hơn thị trường. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư cần ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu có nền tảng tích lũy tốt và đang thu hút được lục cầu tốt.
Về phân tích cơ bản, các đánh giá nhìn chung cho rằng kinh tế vĩ mô vẫn đang trong giai đoạn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng sẽ không xấu đi. Bên ngoài, tình hình địa chính trị thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp dẫn tới đơn hàng xuất khẩu sụt giảm. Thêm vào đó, lạm phát vẫn chưa thực sự được kiểm soát do xu hướng tăng giá năng lượng và thực phẩm.
Điểm tích cực được các chuyên gia nêu ra, lãi suất của Việt nam đang có xu hướng giảm đồng thời các tổ chức kinh tế đang điều chỉnh tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Với nền tảng đó, ông Thành cho rằng thường thị trường chứng khoán sẽ có những phản ứng sớm và kỳ vọng chuyển trạng thái sang vận động tích cực với tâm lý lạc quan những khó khăn của vĩ mô sẽ dần qua.
“Thị trường trong ngắn hạn đang hình thành nền tích lũy mới. Trong trung-dài hạn, thị trường đã hình thành xu hướng đi lên và mục tiêu VN-Index hướng tới là khu vực 1.300 điểm,” ông Thành chia sẻ./.