Theo mạng tin Formiche.net, Tập đoàn vận tải biển và kho vận (logistics) đa quốc gia thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc COSCO Shipping, công ty lớn thứ tư thế giới trong lĩnh vực này, đã mở một tuyến vận chuyển mới từ cảng Trieste ở Đông Bắc Italy đến Slovenia.
Tuyến đường mới, ra mắt vào ngày 27/6, nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các sản phẩm của công ty sản xuất đồ gia dụng Trung Quốc Hisense.
Tại sao COSCO Shipping lại chọn Trieste?
Cảng Trieste, nằm ở phần phía cực Bắc của Biển Adriatic, là một trong những cảng thương mại quan trọng hàng đầu của Italy và là cảng quan trọng thứ 11 của châu Âu.
Đồng thời, đây cũng là cảng đứng đầu Italy về tổng trọng tải bốc dỡ, và nằm cách Velenje (Slovenia), nơi Hisense, công ty duy nhất mà tuyến đường vận chuyển mới sẽ phục vụ vài lần một tuần, khoảng 160km.
Trieste là tuyến đường biển thứ tư được mở ra tại châu Âu như một phần của tuyến vận tải biển Trung Quốc-châu Âu của COSCO Shipping, sau cảng Piraeus của Hy Lạp, cảng Rijeka ở Croatia và tuyến Valencia-Madrid-Bilbao ở Tây Ban Nha.
[Ấn Độ liệu có vượt qua Trung Quốc ở khu vực châu Á?]
Theo hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã, Massimiliano Fedriga, Chủ tịch vùng Friuli-Venezia Giulia và là thành viên của đảng cánh hữu Liên đoàn của Italy, đã cảm ơn các công ty COSCO Shipping và Hisense vì đã nhận ra tiềm năng của cảng Trieste và bày tỏ hy vọng sẽ phát triển mối quan hệ thương mại giữa vùng này và Trung Quốc.
Trung tâm 'Con đường tơ lụa' tại Italy
Theo phát biểu của Phó Chủ tịch điều hành công ty COSCO Lin Ji trong lễ khai trương ngày 27/6, trong tương lai, các sản phẩm điện do Hisense sản xuất ở Velenje cũng sẽ được vận chuyển đến Trieste bằng tàu hỏa, chất lên các tàu container của COSCO Shipping, và vận chuyển đến các điểm đến khác ở châu Âu và xa hơn nữa.
Ông Stefano Selvatici, Giám đốc điều hành cảng Trieste, đã nhấn mạnh động thái này là “một cột mốc quan trọng” bởi vì cảng này “đại diện cho cửa ngõ vào Trung và Đông Âu.”
Phản ứng và động thái tiếp theo?
Theo ông Zeno D’Agostino, Phó Chủ tịch Tổ chức Cảng biển châu Âu (ESPO), kiêm Chủ tịch Cơ quan quản lý hệ thống cảng biển Đông Adriatic, trong tương lai gần, COSCO Shipping cũng sẽ kết nối với Hungary.
Ông D’Agostino giải thích: “Các chuyến tàu đến và đi từ Hungary sẽ vận chuyển sản phẩm từ một số khách hàng trên cơ sở hàng ngày.”
Cảng Trieste đã đón các chuyến tàu đến và đi từ nhiều thị trường châu Âu, bao gồm Đức, Áo, Bỉ, Luxembourg, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và bây giờ là Slovenia. Ông D’Agostino nói: “Đây là lợi thế của chúng tôi.”
Nhưng một số người vẫn bày tỏ sự hoài nghi với diễn biến này. Michelangelo Agrusti, Chủ tịch Liên đoàn giới chủ (Confindustria) Alto Adriatico, nói với nhật báo Piccolo rằng: “Tôi luôn rất phê phán việc các công ty Trung Quốc tham gia vào hệ thống hậu cần của Italy. Con đường tơ lụa lại chạy qua Italy trong một giai đoạn quan trọng đối với đất nước, khi chúng tôi xác định lại các tuyến đường đầu tư và thương mại về phía Đông.”
Italy là quốc gia thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đầu tiên tham gia sáng kiến "Vành đai và con đường" (BRI) của Trung Quốc vào tháng 3/2019. Tuy nhiên, hơn ba năm sau, Italy đã tách khỏi Trung Quốc và quay lại với các đối tác phương Tây.
Về khía cạnh kinh tế, các thỏa thuận với Trung Quốc đã khiến Italy thất vọng. Như lập luận trong một báo cáo toàn diện của Viện các vấn đề thế giới Torino (T.wai), các tính toán của Italy về việc gia tăng quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc “hóa ra là quá lạc quan.”
Thương mại song phương đã không tạo ra lợi ích lớn. Đầu tư cũng trở nên khó khăn hơn do châu Âu do dự về việc mở cửa các ngành công nghiệp quan trọng và chia sẻ công nghệ với Trung Quốc.
Ngay cả khi theo đuổi thỏa thuận BRI, Chính phủ Italy vẫn thận trọng về việc cấp quá nhiều quyền tiếp cận cho các công ty Trung Quốc.
Ba ngày trước khi các thỏa thuận BRI được ký kết (năm 2019), Quốc hội Italy đã thông qua việc mở rộng luật chống tiếp quản (quyền lực vàng) để ngăn chặn các cuộc đấu thầu không mong muốn trong các ngành được coi là có tầm quan trọng chiến lược như ngân hàng, năng lượng, viễn thông và y tế.
Cho đến nay, chỉ trong hơn 1 năm cầm quyền, Thủ tướng đương nhiệm Italy Mario Draghi đã 6 lần sử dụng luật này và 5/6 lần là loại bỏ các hồ sơ dự thầu của Trung Quốc, với một công ty chế tạo robot, một công ty sản xuất máy bay không người lái, hai công ty bán dẫn và một công ty cải tiến công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp (agritech).
Về mặt ngoại giao, Thủ tướng Draghi cũng đã khẳng định lại cam kết của Italy đối với liên minh phương Tây, chấm dứt “lập trường mơ hồ của những người tiền nhiệm đối với Nga và Trung Quốc.”
Trung Quốc đã cố gắng xây dựng một “con đường cao tốc mới” đến châu Âu thông qua Italy, nhưng có thể Rome và các nước đồng hành truyền thống của họ vẫn tiếp tục cùng đi con đường đó, được liên kết chặt chẽ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc./.