Tính đến tháng 7/2020, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 248 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 5,17 triệu m2 sàn, tương đương 103.500 căn hộ. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ đạt khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển đến năm 2020; chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cũng còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn chế.
Đến nay, mới chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng (đạt 24% so với nhu cầu vốn trung hạn). Vì thế, để giảm gánh nặng về nguồn vốn từ ngân sách, nhiều cử tri cho rằng Chính phủ cần kêu gọi xã hội hóa và mở rộng đối tượng vay vốn mua nhà ở xã hội.
Nguồn lực xã hội hóa gặp khó
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc đề nghị Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề kêu gọi xã hội hóa phụ vụ nhân dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng nhấn mạnh việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 248 dự án nhà ở xã hội với quy mô tương đương 103.500 căn hộ. Tuy nhiên, kết quả này mới đạt khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là 12,5 triệu m2 nhà ở.
Trong hai năm gần đây, số dự án hoàn thành rất ít, đặc biệt hiện nay có khoảng 264 dự án với quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, tương ứng với tổng diện tích khoảng hơn 10,8 triệu m2, tổng vốn đầu tư khoảng 108.000 tỷ đồng đang triển khai xây dựng. Thế nhưng, hầu hết dự án bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công; số lượng nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng thời gian gần đây rất hạn chế.
[Kiến nghị thống nhất khung pháp lý cấp sổ đỏ có thời hạn cho condotel]
Theo lý giải của Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu do một số nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm nguồn cung nhà ở xã hội là do chậm bố trí, bố trí không đủ nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách liên quan đến huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển nhà ở xã hội còn thiếu hấp dẫn, chưa đáp ứng tình hình thực tiễn, thủ tục hành chính còn phức tạp, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia đúng như phản ánh, kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Để giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập nêu trên, Bộ Xây dựng đang chủ trì nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, trong đó có các cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa phát triển nhà ở xã hội và xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để góp phần giải quyết nhà ở cho người dân.
Xem xét mở rộng đối tượng được vay vốn
Trong diễn biến liên quan, mới đây, cử tri tỉnh Long An cũng đã đề nghị Bộ Xây dựng xem xét mở rộng đối tượng được vay vốn mua nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân.
Bộ Xây dựng cho biết theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đối tượng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chiếm số lượng rất lớn.
Trong đó, các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
[Xây dựng tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội]
“Theo quy định nêu trên, số lượng hộ gia đình người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là rất lớn,” Bộ Xây dựng lưu ý.
Đến nay, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu, kế hoạch vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và các Ngân hàng Thương mại được chỉ định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho nhu cầu vốn hỗ trợ nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 là gần 19.000 tỷ đồng (trong đó vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 9.000 tỷ đồng; vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội là khoảng 10.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, cho đến nay mới chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng (đạt 24% so với nhu cầu vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020) và đã thực hiện giải ngân cho vay ưu đãi đối với 10.303 khách hàng.
Riêng đối với các Ngân hàng thương mại được chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội thì đến nay chưa nhận được vốn hỗ trợ cấp bù lãi suất theo quy định, dự kiến sẽ được cấp bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020.
Như vậy, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế thì việc mở rộng đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cần phải được xem xét, nghiên cứu thêm cho phù hợp. Tuy nhiên, phía Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, tổng hợp đề xuất nội dung này trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định./.