Kêu gọi các doanh nghiệp Hungary tìm hiểu cơ hội, mở rộng hợp tác với Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hungary tìm hiểu cơ hội, mở rộng hợp tác, đầu tư với Việt Nam, vì lợi ích của chính mỗi doanh nghiệp, vì sự phát triển của mỗi nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, chiều 19/1 (giờ địa phương) tại thủ đô Budapest, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cùng dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hungary.

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary và Cục Xúc tiến xuất khẩu Hungary đồng tổ chức. Cùng dự diễn đàn có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội và đông đảo các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Hungary.

Tại diễn đàn, các đại biểu được giới thiệu về tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và Hungary; nghe giới thiệu về khả năng và kế hoạch đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước.

Đặc biệt, diễn đàn dành thời gian để các doanh nghiệp đặt câu hỏi và được lãnh đạo các bộ, ngành hai bên giải đáp các vấn đề quan tâm như: chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước; các lĩnh vực ưu tiên; cơ chế chính sách; thủ tục, hạ tầng, nguồn nhân lực… Cùng với đó, doanh nghiệp hai bên cùng trao đổi, kết nối để hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 75 năm thiết lập, quan hệ Việt Nam-Hungary không ngừng phát triển tốt đẹp.

Ngay trong chuyến thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với Thủ tướng, Tổng thống, Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary. Hai bên thể hiện sự tin cậy chính trị cao; nhất trí thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đây là môi trường chính trị thuận lợi, nền tảng quan trọng để doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư.

Thông tin tới diễn đàn về quá trình giành độc lập dân tộc và xây dựng phát triển đất nước, nhất là đường lối phát triển đất nước, đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc…, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đến nay đã thuộc nhóm 40 nền kinh tế có quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất thế giới; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên gần 4.300 USD năm 2023; nằm nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến nay, Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nước.

Năm 2023, tình hình thế giới, khu vực có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát. GDP tăng 5,05%.

Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 683 tỷ USD; xuất siêu kỷ lục 28 tỷ USD...

Việt Nam huy động mọi nguồn lực xã hội, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Hiện nay Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: đột phá về hoàn thiện thể chế pháp luật; đột phá về phát triển hạ tầng và đột phá về đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính.

Qua đó, giảm chi phí đầu vào của sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ổn định, lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hungary. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang làm mới các động lực cũ là “xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư” và bổ sung các động lực mới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Việt Nam luôn bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hungary tìm hiểu cơ hội, mở rộng hợp tác, đầu tư với Việt Nam, vì lợi ích của chính mỗi doanh nghiệp, vì sự phát triển của mỗi nước, vì quan hệ Việt Nam-Hungary và vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng mong muốn và hy vọng, vào dịp kỷ niệm 150 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hungary, mỗi nước sẽ hùng cường, thịnh vượng hơn; người dân mỗi nước ấm no, hạnh phúc hợn; quan hệ Việt Nam-Hungary bền chặt, thực chất, hiệu quả hơn; góp phần thiết thực hơn vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cho biết, ông và các nhà lãnh đạo Hungary vừa có các cuộc hội kiến, hội đàm rất thành công với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Hungary chúc mừng, đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, với tỷ trọng xuất siêu đạt 28 tỷ USD trong năm 2023 và có nhiều doanh nghiệp lớn, tầm cỡ khu vực và thế giới. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác, đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực một bên có thế mạnh và bên kia có nhu cầu.

Nhắc lại quá trình lịch sử, phát triển của Hungary, Thủ tướng Viktor Orbán cho biết, Hungary là nền kinh tế phát triển đa dạng; người Hungary có nhiều phát kiến khoa học, công nghệ; GDP của Hungary có sự đóng góp 80% từ xuất khẩu. Hungary là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Đây là những lợi thế để doanh nghiệp nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân mỗi nước.

Thủ tướng Viktor Orbán cho biết, Hungary ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Với vai trò, vị trí của mình trong EU, Hungary tiếp tục thúc đẩy để các nước còn lại sớm phê chuẩn EVIPA, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam có mặt nhiều hơn trên thị trường EU.

Theo Thủ tướng Hungary, trở ngại lớn nhất trong quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và Hungary hiện nay chính là khoảng cách về địa lý. Do đó, Thủ tướng Viktor Orbán đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp hai nước nghiên cứu mở các đường bay trực tiếp Việt Nam-Hungary để nối gần khoảng cách giữa hai dân tộc, thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác đầu tư…

Thủ tướng Hungary cho biết hiện nay hằng năm có khoảng 900 lưu học sinh Việt Nam học tập tại Hungary. Thủ tướng Viktor Orbán mong muốn những sinh viên đang học tập tại Hungary sẽ trở thành những đại sứ thúc đẩy, vun đắp quan hệ Việt Nam-Hungary ngày càng phát triển.

Thủ tướng Hungary hy vọng sang năm 2025, khi ông tới thăm Việt Nam sẽ được nghe các bộ, ngành, cơ quan báo cáo, với các kết quả hợp tác cụ thể được bắt đầu từ chuyến thăm này của Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chung và diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary nói riêng.

Trước đó sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc tại Công ty Gedeon Richter Plc - một trong những doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu dược phẩm lớn nhất ở Trung và Đông Âu.

Lãnh đạo công ty cho biết Gedeon Richter là công ty dược phẩm và công nghệ sinh học đa quốc gia, được dược sỹ Gedeon Richter thành lập vào năm 1901, với trụ sở chính đặt tại Budapest, Hungary.

Năm 2021, doanh thu hợp nhất của Richter đạt 1,8 tỷ euro (1,9 tỷ USD). Hiện Richter có khoảng 50 văn phòng đại diện phân phối sản phẩm trên thế giới, trong đó có Việt Nam (từ năm 1995), đang vận hành văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty nêu một số góp ý và mong tiếp tục được tạo điều kiện để hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu y học và dược phẩm của Hungary cũng như kết quả hoạt động của Gedeon Richter Plc. Công ty cũng đã có lịch sử gắn bó và hoạt động lâu dài tại Việt Nam, có những đóng góp nhất định vào việc phát triển ngành y tế Việt Nam.

Theo Thủ tướng, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với bề dày lịch sử hơn 70 năm giữa Việt Nam và Hungary đã và đang phát triển hết sức tích cực trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế, dược phẩm.

Việt Nam hết sức coi trọng phát triển ngành y tế và ngành dược, đặc biệt là trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư sản xuất thuốc tại Việt Nam, chuyển giao công nghệ sản xuất từ các cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài đối với thuốc phát minh còn bản quyền, biệt dược gốc, vaccine và sinh phẩm y tế; tập trung phát triển các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn…

Đồng thời, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch, giúp doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dược phẩm, tập trung vào sáng tạo và phát triển.

Trên cơ sở hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Công ty Gedeon Richter đẩy mạnh hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, thông tin khoa học, kinh nghiệm quản lý, giúp Việt Nam nâng cao năng lực ngành dược, thực hiện mục tiêu phát triển ngành dược; tăng cường hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ sản xuất các loại thuốc đặc trị, thuốc hiếm với Việt Nam.

Cho biết Việt Nam có rất nhiều loại dược liệu quý, Thủ tướng đề nghị Công ty Gedeon Richter tăng cường phối hợp nghiên cứu, phát triển các loại dược phẩm dựa trên các dược liệu của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục