Kết thúc tuần trong nốt trầm, giá vàng vẫn cao hơn so với tuần trước

Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của công ty tư vấn đầu tư OANDA cho biết, giá vàng tuần này bị chi phối chủ đạo bởi những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Vàng được bày bán tại cửa hàng kim hoàn ở Yangon, Myanmar, ngày 19/9/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
Vàng được bày bán tại cửa hàng kim hoàn ở Yangon, Myanmar, ngày 19/9/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá vàng thế giới đã không thể kéo dài chuỗi tăng điểm sang phiên thứ ba liên tiếp trong ngày giao dịch 15/11 khi xuất hiện những thông tin tích cực về thỏa thuận “Giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, tính chung trên cả tuần, giá vàng thế giới vẫn phục hồi sau khi giảm mạnh hồi tuần trước.

Theo đó, giá vàng giao ngay đã để mất 0,3% xuống 1.466,78 USD/ounce vào lúc 2 giờ 8 phút (ngày 16/11 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng lùi 0,3% xuống khép phiên ở mức 1.468,5 USD/ounce.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của công ty tư vấn đầu tư OANDA cho biết nhìn chung, giá vàng tuần này bị chi phối chủ đạo bởi những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross mới đây cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ điện đàm để tiếp tục cuộc đàm phán giữa hai bên, khi cả Washington và Bắc Kinh đang tìm cách hiện thực hóa thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1.”

Thông tin trên đã khiến tâm lý thị trường khá lạc quan về triển vọng thỏa thuận “Giai đoạn 1” giữa hai nước từ đó ảnh hưởng tới những tài sản “trú ẩn an toàn” như vàng.

Tuy giá vàng đã thoái lui khỏi mức cao nhất của một tuần ghi nhận trong phiên ngày thứ Năm (14/11), nhưng kim loại quý này vẫn đạt mức tăng 0,6% tính chung trên cả tuần này.

[Giá vàng châu Á tăng do lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ-Trung]

Trước đó, giá vàng khởi đầu tuần mới không mấy thuận lợi. Trong phiên 11/11, giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng khi các chỉ số chứng khoán Mỹ bứt phá khỏi các mức thấp và giao dịch gần các mức cao kỷ lục ghi nhận trong tuần trước.

Xu hướng giảm vẫn duy trì trong phiên 12/11, khi các thị trường chứng khoán tiếp tục phục hồi, thu hút các nhà đầu tư rời khỏi những kênh “trú ẩn an toàn” như vàng.

Nhưng chuỗi đi xuống của giá vàng đã chấm dứt trong phiên 13/11, khi những bất ổn trong quan hệ giữa Mỹ và các đối tác thương mại chủ chốt cùng các cuộc điều trần luận tội công khai nhằm vào Tổng thống Donald Trump đã khiến nhà đầu tư lo ngại và tìm về với vàng.

Tuy vậy, đồng USD mạnh và các chỉ số chứng khoán vững đã hạn chế đà tăng của vàng trong phiên này.

Sang phiên 14/11, những thông tin về việc Mỹ-Trung còn nhiều khác biệt trong vấn đề thu mua nông sản càng khiến giới đầu tư cẩn trọng, qua đó thúc đẩy hoạt động mua vào vàng.

Theo Nhật báo Phố Wall (WSJ), Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu nói Trung Quốc đã nhất trí mua từ 40-50 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trong hơn hai năm, song phía Trung Quốc được cho là đã thận trọng trong việc viết một số tiền đầy đủ vào bản thỏa thuận.

Tuy nhiên, đà tăng này đã không thể kéo dài đến hết tuần.

Theo ông Jonathan Butler, nhà phân tích của công ty tài chính Mitsubishi, giá vàng trong tuần này đã cố gắng để bù lại những khoản lỗ sau khi phải ghi nhận mức giảm theo tuần lớn nhất trong ba năm qua là 3,6% hồi tuần trước.

Ông cho rằng ở một mức độ nhất định, giá vàng đã thành công khi đã rời khỏi những mức thấp quanh ngưỡng 1.450 USD/ounce.

Ông Butler lưu ý rằng trong tuần tới, thị trường sẽ theo dõi một vài số liệu quan trọng – bao gồm chỉ số nhà sản xuất mua hàng (PMI) của ngành chế tạo tại Mỹ và biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giới đầu tư sẽ tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nội bộ của ngân hàng trung ương này tranh luận về việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn hoặc liệu các quan chức có thực sự muốn giữ nguyên lãi suất trong thời điểm hiện tại hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục