Kết thúc Shangri-La 2019: Các bên cần tìm kiếm hợp tác cùng có lợi

Đối thoại Shangri-La 2019 khép lại với 3 phiên đối thoại về chủ đề: Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế, ngăn ngừa xung đột ở các lĩnh vực có cạnh tranh, đảm bảo khu vực tự cường và ổn định.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)

Ngày 2/6, Đối thoại Shangri-La 2019 đã khép lại với ba phiên đối thoại toàn thể về các nội dung liên quan đến các chủ đề: Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế, ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh và đảm bảo một khu vực tự cường và ổn định.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho rằng thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến an ninh truyền thống, phi truyền thống và mới nảy sinh… đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển chung của nhân loại.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc mong muốn cùng các bên thúc đẩy hợp tác, giải quyết tranh chấp và bất đồng để cùng phối hợp duy trì vững chắc trật tự thế giới hiện có.

Về quan hệ Trung-Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh rằng tuy gặp nhiều gian nan và trắc trở, nhưng về tổng thể quan hệ giữa hai nước vẫn ổn định, trong đó quan hệ quốc phòng đang phát triển tốt đẹp theo những nhất trí chung đã đạt được giữa các lãnh đạo cấp cao hai nước.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa cho biết Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực đàm phán để xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực này.

Tham dự Đối thoại và có bài phát tại phiên toàn thể thứ năm, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định quan điểm, lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp, ngăn ngừa xung đột, đó là trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác và vì trách nhiệm cộng đồng.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Chính vì vậy, các quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng cần phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các bất đồng, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng dù có khác biệt về lợi ích, nhưng nếu mọi quốc gia đều đặt hòa bình, ổn định lên trên hết chúng ta có thể hợp tác, tìm cách thu hẹp khác biệt, xử lý tranh chấp.

[Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nêu quan điểm giải quyết tranh chấp]

Ngược lại, nếu áp đặt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết, càng làm cho mâu thuẫn, tranh chấp gia tăng, kéo dài, dẫn đến xung đột. Muốn vậy, các bên phải tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, xây dựng lòng tin, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng thừa nhận đây là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và sự chung tay hành động của mọi quốc gia, chứ không thể thụ động chờ đợi.

Trong bài phát biểu của mình ở phiên thảo luận cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng cho rằng sự gia tăng căng thẳng, cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực sẽ đặt ra một thách thức rất lớn cho các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho rằng các quốc gia cần cởi mở, kết nối và cùng xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mở cũng như củng cố sự hợp tác trong khuôn khổ đa phương.

Đặc biệt các nước ASEAN cần phải cùng nhau củng cố các cam kết song phương và đa phương, tạo nền tảng xây dựng một kiến trúc an ninh mạnh mẽ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác (ADMM-Plus) chính là nền tảng.

Bộ trưởng Ng Eng Hen cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc và cho rằng một COC thực chất và hiệu quả sẽ góp phần tăng cường sự tự tin và thúc đẩy ổn định của khu vực.

Phát biểu kết thúc Đối thoại Shangri-La 2019, Tổng Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết diễn đàn năm nay đã đánh dấu là năm có số lượng đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay, với 44 đoàn đại biểu cấp chính phủ từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 28 quan chức cấp bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, các chỉ huy quốc phòng.

Bên cạnh sự quan tâm đối với các thông điệp của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc thì diễn đàn năm nay cũng là cơ hội để các quốc gia khác bày tỏ quan điểm, nêu ra quan ngại và từ đó tìm tiếng nói chung để đảm bảo lợi ích của mình đồng thời đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục