Sau gần 1.000 ngày, ngày 18/8, vòng tranh tụng cuối cùng trong cuộc chiến pháp lý của bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei - nhằm chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ đã khép lại.
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, bà Mạnh Vãn Châu, con gái của tỷ phú sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi, bị buộc tội gian lận liên quan đến cáo buộc nói dối một Giám đốc điều hành của HSBC ở Hong Kong (Trung Quốc) vào năm 2013 về mối quan hệ của Huawei với một công ty con có tên Skycom - công ty bị cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Iran.
Mỹ cho rằng HSBC tiếp tục mối quan hệ kinh doanh với Huawei và đồng ý tiếp tục chuyển tiền của công ty qua hệ thống tài chính Mỹ vì những lời “bóp méo sự việc” của bà Mạnh Vãn Châu.
Theo các nhà chức trách Mỹ, do đó, HSBC có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, khiến ngân hàng có khả năng bị truy tố và tổn thất về kinh tế và danh tiếng.
Thẩm phán Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, bà Heather Holmes, cho biết vào ngày 21/10/2021 bà sẽ công bố ngày đưa ra phán quyết của mình.
Trong vụ kiện này, quyết định cuối cùng về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu thuộc về Bộ trưởng Tư pháp Canada.
[Canada: Không có hành vi sai trái trong thủ tục dẫn độ CFO Huawei]
Quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh đã rơi vào khủng hoảng sau vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu năm 2018.
Vài ngày sau đó, Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada, Michael Spavor và Michael Kovrig, với cáo buộc hoạt động gián điệp – một hành động mà Canada coi là trả đũa.
Đến ngày 11/8 vừa qua, tòa án ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc, đã kết án 11 năm tù đối với doanh nhân Spavor với tội danh trên "hoạt động gián điệp và cung cấp những bí mật nhà nước bất hợp pháp."
Theo bản án, ông Spavor cũng sẽ bị tịch thu 50.000 nhân dân tệ (7.713 USD) tài sản cá nhân và sẽ bị trục xuất nhưng chưa rõ thời gian.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngay lập tức tuyên bố bản án này là "không công bằng và không thể chấp nhận"./.