Kết thúc môn thi cuối kỳ thi Đại học, sỹ tử dễ thở với đề Hóa

Đề Hóa khá cơ bản, kiến thức nằm trong chương trình đã được học, tuy nhiên vẫn có nhóm câu hỏi để phân loại thí sinh; cần phân bổ thời gian hợp lý... là những nhận xét của thí sinh về môn thi cuối.
Kết thúc môn thi cuối kỳ thi Đại học, sỹ tử dễ thở với đề Hóa ảnh 1Thí sinh tỏ ra hồ hởi với bài làm môn Hóa (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bước ra khỏi khu vực thi, nhiều thí sinh cảm thấy tâm trạng thoải mái hơn so với hai môn thi trước đó. Các sỹ tử cho rằng, đề thi môn Hóa “dễ thở” hơn so với môn Toán và Vật lý ngày hôm qua. Không ít thí sinh cho rằng, đây là cơ hội gỡ điểm cho mình trong kỳ thi tuyển sinh năm nay.

Vẻ mặt rạng rỡ, Lê Văn Huy (Nghĩa Lộ, Yên Bái), thí sinh dự thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, kiến thức trong đề thi trải đều chương trình, nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm khá. Bên cạnh đó, đề thi cũng có tính phân loại thí sinh khá rõ (tập trung ở những câu hỏi phần bài tâp).

“Đề thi có nhiều câu hỏi lý thuyết khá đơn giản để gỡ điểm cho phần bài tập. Em nghĩ rằng, thí sinh chỉ cần nhớ chính xác công thức là có thể ghi điểm,” Huy bày tỏ.

Cậu học trò quê Yên Bái này chia sẻ, bài thi hai môn Toán, Vật lý cậu làm không tốt lắm nhưng môn Hóa sẽ giúp Huy gỡ điểm. Bởi thế, Huy nghĩ rằng, nếu mức điểm chuẩn vẫn giữ nguyên như năm ngoái thì Huy sẽ trúng tuyển đợt này.

Trái với tâm trạng của Huy, Nguyễn Thùy Linh (Hải Hậu, Nam Định) lại nhăn nhó với đề thi môn cuối cùng này. Linh cho rằng, đề thi cũng có nhiều câu đòi hỏi tính toán khá phức tạp nên mất nhiều thời gian. Bởi thế, nếu không phân bố thời gian hợp lý thì thí sinh khó hoàn thành được bài thi.

“Bên cạnh đó, đề thi môn Hóa khá dài, đòi hỏi kiến thức khá chi tiết, tỷ mỉ nên nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ôn luyện thật nhuần nhuyễn kiến thức thì không thể đạt điểm cao,” thí sinh của Đại học Sư phạm bày tỏ.

Tại điểm thi trường Phổ thông cơ sở Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), các thí sinh cũng khá tự tin vào phần bài làm của mình.

Bước ra khỏi trường thi, em Phạm Thị Thu Hằng (Lý Nhân, Hà Nam) cười rất tươi. Chia sẻ với phóng viên, Hằng cho hay: Mặc dù so với đề năm ngoái, đề Hóa năm nay khó hơn đôi chút nhưng nếu nắm chắc kiến thức cơ bản, thí sinh hoàn toàn có thể đạt điểm 7,8.

“Theo em đề Hóa chỉ có 5 câu khó để xác định sự khác nhau của học sinh, còn lại khá cơ bản. Em nghĩ, bài của mình có thể đạt 8 điểm.”

Thí sinh Ngô Thị Hạnh đến từ Nam Định cũng có chung tâm trạng. Hạnh cho hay, trước lúc bước vào phòng, em khá căng thẳng. Tuy nhiên khi đọc qua đề, em lại tự tin hơn vì kiến thức được dàn đều và nằm trong chương trình em đã được học.

“Tuy nhiên, nếu không phân bổ hợp lý thời gian 90 phút cũng rất khó để hoàn thành bài,” Hạnh nói.

Phần lớn các thí sinh đều nhận định: Môn Hóa sẽ là môn mang lại nhiều điểm số cho kỳ thi này, đặc biệt là phần câu hỏi lý thuyết.

Tuy nhiên, kết thúc đợt thi thứ nhất kỳ thi tuyển sinh đại học 2014, phần lớn thí sinh đều cho rằng, cả ba môn thi năm nay đều khó hơn so với năm ngoái; cấu trúc đề thi lạ (không có phần chung và phần tự chọn riêng trong đề thi như mọi năm) khiến không ít thí sinh cảm thấy bất ngờ.

“Nhìn chung, đề thi năm nay có tính phân loại thí sinh cao hơn so với năm ngoái. Những câu hỏi buộc thí sinh phải tư duy, chứ không đơn thuần chỉ là nhớ kiến thức xuất hiện nhiều hơn; nếu không thực sự hiểu thì sẽ không thể vận dụng được vào bài thi để đạt điểm cao,” Nguyễn Huy Hoàng (Lý Nhân, Hà Nam) – thí sinh dự thi vào Đại học Giao thông Vận tải chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục