Kết thúc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Quốc - Mỹ

Các quan chức ngoại giao, thương mại và các lĩnh vực khác của Trung Quốc và Mỹ đã ghi nhận bất đồng trong một số vấn đề, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ song phương hữu nghị.
Kết thúc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Quốc - Mỹ ảnh 1Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew. (Nguồn: Reuters)

Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên lần thứ 8 giữa Trung Quốc và Mỹ đã kết thúc ngày 7/6 tại Bắc Kinh sau hai ngày thảo luận.

Các quan chức ngoại giao, thương mại và các lĩnh vực khác của hai bên đã ghi nhận bất đồng trong một số vấn đề, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ song phương hữu nghị và mang lại lợi ích.

Tại cuộc họp báo chung sau khi kết thúc đối thoại, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho biết hai bên công nhận rằng tình trạng sản xuất dư thừa trong một số ngành, trong đó có ngành thép, là một thách thức toàn cầu và cần nỗ lực chung để giải quyết vấn đề này.

Theo hãng tin AP, phía Trung Quốc hứa kìm hãm sản xuất thép để giải quyết tình trạng dư thừa mặt hàng này trên các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, hai bên không nhất trí được về ngành sản xuất nhôm của Trung Quốc, một trong nhiều ngành mà Mỹ và các đối tác thương mại khác cho rằng sản phẩm xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc gây tổn hại cho các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài và đe dọa công ăn việc làm ở các nước.

Ngoài ra, ông Uông Dương cho biết một trong những ưu tiên hiện nay của hai bên là đàm phán về hiệp định đầu tư song phương. Washington hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đồng thời bày tỏ sẵn sàng nắm bắt những cơ hội do cải cách cơ cấu của Trung Quốc mang lại và tăng đầu tư vào nước này.

Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tăng hạn ngạch cho các nền kinh tế mới nổi.

Về tài chính, Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew cho biết phía Mỹ hứa theo đuổi "ổn định tài chính" thu hẹp thâm hụt ngân sách, trong khi phía Trung Quốc cam kết tiếp tục cải cách tỉ giá hối đoái theo hướng thị trường tạo điều kiện cho việc lưu hành đồng Nhân dân tệ (NDT) hai chiều linh hoạt, không phá giá đồng nội tệ cũng như tác động đến tỉ giá để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.

Bắc Kinh cũng cam kết những bước đi cụ thể mở cửa khu vực tài chính nhiều hơn cho các công ty Mỹ, theo đó lần đầu tiên cho phép các ngân hàng Mỹ thanh toán các giao dịch bằng đồng NDT.

Phát biểu với báo giới, ông Lew nêu rõ: "Các nỗ lực trong những ngày qua không giải quyết được tất cả những vấn đề chúng tôi quan tâm, song có tiến bộ thực sự."

Trong khía cạnh chiến lược, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho biết có ít tiến bộ cụ thể trong những vấn đề nhạy cảm như an ninh hàng hải và Triều Tiên. Ông Kerry nêu rõ: "Chúng tôi không nhất trí về mọi vấn đề", song nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua những bất đồng trong quan hệ song phương mà ông cho là "hết sức quan trọng."

Về vấn đề Biển Đông, ông Kerry nhắc lại "sự ủng hộ cơ bản của Mỹ đối với việc đàm phán và các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp, cũng như quan ngại về bất cứ bước đi đơn phương của bất cứ bên nào."

Ông cũng khẳng định Mỹ không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực này, song cho rằng "tất cả các bên cần kiềm chế."

Trong khi đó, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng Bắc Kinh muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, nhưng phải là đàm phán "giữa các bên liên quan." Ông cũng kêu gọi Mỹ đóng một vai trò tích cực trong bảo vệ hòa bình và an ninh ở Biển Đông.

Về tình hình Triều Tiên, hai bên nhất trí không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, đồng thời cam kết cùng nỗ lực ngăn chặn Bình Nhưỡng có thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào.

Ông Kerry cho biết các nhóm làm việc của Mỹ và Trung Quốc sẽ nghiên cứu cách thức thực hiện tốt hơn các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đã áp đặt đối với Triều Tiên, song ông không đề cập bất cứ động thái mới nào của Mỹ và Trung Quốc trong việc gây sức ép với Bình Nhưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục