Kết quả thi của một nữ sinh phá vỡ "đẳng cấp" trong các trường học Trung Quốc

Kết quả thi của một nữ sinh phá vỡ "đẳng cấp" trong các trường học Trung Quốc

Việc nữ sinh tại một trường hướng nghiệp lọt vào tốp đầu cuộc thi Toán ở Trung Quốc đã gây ra bất ngờ và dẫn đến sự chú ý về thực trạng phân chia "đẳng cấp" trong hệ thống giáo dục của nước này.
Việc một sinh viên trường hướng nghiệp lại giành thành tích cao trong cuộc thi Toán ở Trung Quốc đã khiến mọi người bất ngờ. (Nguồn: Mạng xã hội X)

Kết quả bất ngờ trong một cuộc thi toán đã khiến một học sinh Trung Quốc trở thành người hùng, đồng thời gây chú ý đến sự khác biệt trong hệ thống giáo dục ở nước này.

Jiang Ping, 17 tuổi, đứng thứ 12 trong vòng chung khảo Cuộc thi Toán học Toàn cầu Alibaba 2024. Hầu hết những thí sinh khác lọt đến vòng này, tổng cộng 801 người, là sinh viên đại học.

Jiang là cô gái duy nhất lọt vào top 30 nhưng điều thực sự khiến cô nổi bật là Jiang đang là sinh viên thiết kế thời trang tại một trong những trường hướng nghiệp của Trung Quốc.

Câu chuyện nhanh chóng được chú ý một phần vì sự phân biệt trường lớp trong hệ thống giáo dục tại Trung Quốc.

Mặc dù kỳ thi tuyển sinh đại học (Cao khảo) khốc liệt tại Trung Quốc được biết đến nhiều hơn, nhưng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (Trung khảo) đánh dấu sự khởi đầu của việc phân chia học lực của học sinh Trung Quốc.

Kỳ thi Trung khảo được tổ chức từ tháng 6 đến đầu tháng 7. Tại Trung Quốc, khoảng 60% học sinh đỗ Trung khảo mỗi năm, nghĩa là các em được vào học tại các trường trung học công lập.

Giống như Cao khảo, bài kiểm tra kết hợp giữa đánh giá học thuật, một phần giáo dục thể chất và các câu hỏi về nhận thức công dân. Năm cuối cấp trung học cơ sở ở Trung Quốc chủ yếu dành cho việc dạy làm bài kiểm tra Trung khảo.

Khoảng 40% học sinh còn lại theo học tại các trường trung học dạy nghề, hoặc số ít hơn lựa chọn bỏ học hoàn toàn.

Về lý thuyết, các trường trung học hướng nghiệp hoạt động theo mô hình trường dạy nghề. Trên thực tế, các trường này thường không đủ kinh phí hoạt động, thiếu trầm trọng giáo viên được đào tạo và hay bị đánh giá thấp ở Trung Quốc.

Sự kỳ thị đó khiến thành công của Jiang tại cuộc thi toán trở nên đáng chú ý. Học sinh tại các trường hướng nghiệp khó có thể thi vào đại học và mặc dù được cho là dễ kiếm được việc làm nhưng họ nhận mức lương thấp hơn so với học sinh tốt nghiệp trung học thông thường.

Cao khảo là kỳ thi vô cùng khốc liệt tại Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Cũng như các kỳ thi tuyển sinh tương tự, đẳng cấp và sự giàu có là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của học sinh tại kỳ thi Trung khảo.

Hộ khẩu - hệ thống giấy phép cư trú của Trung Quốc - quyết định chất lượng giáo dục mà trẻ em có thể tiếp cận ngay từ đầu, từ những trường học ở nông thôn với cơ sở vật chất thiếu thốn cho đến những trường học ở thành thị được đầu tư tốt hơn nhiều.

Dạy thêm, điều cần thiết cho kỳ thi Cao khảo, cũng đắt đỏ không kém đối với Trung khảo. Trung Quốc đã yêu cầu cấm dạy thêm vào năm 2021 nhưng điều này lại khiến phí dạy thêm tăng cao hơn.

Một khi học sinh đỗ được Trung khảo, sẽ có sự khác biệt lớn giữa các trường trung học chất lượng tốt nhất và các trường trung bình khi xét tuyển sinh Đại học.

Không có gì ngạc nhiên, sự căng thẳng của các kỳ thi đã dẫn đến một số hành vi gian lận của phụ huynh, chẳng hạn như cho con dùng thuốc tăng lực để cải thiện điểm trong môn thể dục hoặc chuyển con đến các thành phố có ngưỡng đầu vào thuận lợi hơn.

Giáo dục hậu Cao trung được trợ cấp nhưng không miễn phí. Khi học sinh từ các gia đình nghèo vào học tại các trường trung học bình thường, cha mẹ các em đôi khi không đủ khả năng chi trả mức học phí cao hơn tại các trường tốt hơn.

Trong khi đó, nếu một học sinh thuộc gia đình giàu có thi trượt Cao trung, họ thường có các lựa chọn vào trường tư, bao gồm cả các trường quốc tế, và con đường vào đại học vẫn còn rộng mở.

Các trường dạy nghề tại Trung Quốc không được đánh giá cao trong hệ thống giáo dục ở Trung Quốc. (Nguồn: VCG)

Sự kỳ thị đối với các trường giáo dục hướng nghiệp chỉ mới xuất hiện gần đây tại Trung Quốc. Trở lại những năm 1980 và 90, khi có rất ít sinh viên Trung Quốc vào đại học, giáo dục kỹ thuật là con đường danh giá để có được một công việc tốt.

Vào năm 2022, chính quyền trung ương Trung Quốc đã bắt tay vào kế hoạch biến giáo dục hướng nghiệp thành một con đường tích cực, một phần do cuộc khủng hoảng thất nghiệp sau đại học ở nước này.

Tuy nhiên, kế hoạch đó gặp phải những trở ngại đáng kể. Ngày nay, các ngành có tay nghề cao bị đánh giá thấp ở Trung Quốc.

Thay vì được thực hiện bởi các chuyên gia đã qua đào tạo, các công việc như sửa ống nước hoặc lắp kính thường được giao cho những lao động phổ thông được trả lương thấp.

Mục tiêu của chính phủ là đưa 50% học sinh vào học nghề đã gây hoang mang cho các bậc phụ huynh, họ lo sợ con mình sẽ phải đi trên một con đường không sáng sủa mà chỉ một số ít người như Jiang mới có thể vượt qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục