Kết quả quan trọng chuyến thăm các nước châu Âu của Chủ tịch Quốc hội

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã có những chia sẻ về kết quả các chuyến thăm vừa kết thúc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Phần Lan. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 5-11/9.

Nhân dịp này, đặc phái viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà về những kết quả quan trọng của chuyến thăm.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Ông có thể đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong chuyến công tác đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này trên cương vị mới, tham dự trực tiếp Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ năm (WCSP5) sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát?

Chủ nhiệm Vũ Hải Hà: Chặng dừng chân đầu tiên đến Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội tham dự WCSP5. Ngoài tham dự các hoạt động đa phương, Chủ tịch Quốc hội tham gia các bài phát biểu quan trọng tại các phiên toàn thể và phiên họp chuyên đề của WCSP5 về lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, những định hướng phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh đó có 10 cuộc tiếp xúc song phương bên lề với những đối tác rất quan trọng trải khắp các châu lục như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy, Mozambique, Cuba, Chile, Anh…

Đó là các đối tác rất quan trọng của chúng ta ở khắp các châu lục, từ các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác truyền thống, dịp này cùng bàn bạc thúc đẩy quan hệ song phương, quyết tâm đưa hợp tác giữa Việt Nam với các nước đi vào thực chất, hiệu quả.

Nội dung được các nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm là sau đại dịch làm sao các nước có được nền tảng vững chắc để kinh tế, xã hội hồi phục nhanh chóng nhất.

[Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội nâng tầm quan hệ Việt Nam-EU]

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội gặp các lãnh đạo cơ quan Liên hợp quốc tại Vienna, như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để thảo luận những biện pháp hợp tác giữa hai bên trong sử dụng năng lượng nguyên tử hạt nhân vào mục đích hòa bình để phát triển kinh tế, xã hội; gặp Trưởng Văn phòng đại diện của Liên hợp quốc tại Vienna; Cơ quan phòng, chống ma túy của Liên hợp quốc.

Một điểm mới trong đợt này khi gặp các đối tác quốc tế như Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Tổng Thư ký IPU, các cơ quan Liên hợp quốc, các bạn đều khẳng định nghị viện đóng vai trò rất lớn trong quá trình triển khai và giải quyết các thách thức mang tính chất toàn cầu, đặc biệt là các cơ quan Liên hợp quốc.

Các bạn cho rằng trước đây kênh hợp tác chủ yếu với các chính phủ thì nay đã nhận thức là thúc đẩy chiến lược quan hệ với các nghị viện. Rõ ràng đây bước chuyển về tư duy rất lớn trong các cơ quan của Liên hợp quốc làm sao cùng với các nước triển khai các chương trình hợp tác, giải quyết những vấn đề thách thức toàn cầu.

- Ông cho biết kết quả quan trọng và cụ thể tại các cuộc thăm, làm việc song phương giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), Bỉ và Phần Lan?

Chủ nhiệm Vũ Hải Hà: Chặng dừng chân thứ hai là ở Bỉ, Chủ tịch Quốc hội có các cuộc gặp với Chủ tịch EC, EP và một số cơ quan của EP để bàn bạc thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Những nội dung trao đổi sâu sắc và toàn diện: từ vấn đề làm sao thúc đẩy việc thực hiện các cam kết của hai bên trong Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), triển khai cùng các nước thành viên châu Âu phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), từ đó chuẩn bị bước tốt nhất cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi, chia sẻ nhận thức trong bối cảnh Việt Nam tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại tự do, đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư của EU tham gia vào thị trường Việt Nam, nhất là thời điểm phục hồi sau đại dịch, nếu EVIPA được phê chuẩn sẽ tạo bước tiến đối với cả hai bên.

Đối với EU, các nhà lãnh đạo cam kết ủng hộ chúng ta trong vai trò quan trọng của khu vực và cho rằng Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực trong những vấn đề về an ninh, quốc phòng. Bạn cũng mong muốn được tham gia cơ chế an ninh, quốc phòng trong khu vực để EU đóng vai trò lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về vấn đề thẻ vàng (IUU), Chủ tịch EC cũng như Chủ tịch EP đều cho rằng các quy định về pháp luật của chúng ta là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, bạn vẫn còn lo ngại việc thực thi ở các địa phương của Việt Nam còn chưa tốt, bạn mong muốn ta làm tốt điều này.

Về phía EU, hai chủ tịch cam kết sẽ trao đổi với Ủy ban châu Âu sớm nhất để có thể gỡ thẻ vàng cho chúng ta. Gỡ thẻ vàng được thì hàng hóa, đời sống của nhân dân được cải thiện, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay.

Cuối cùng, với thẻ vàng, đời sống ngư dân Việt Nam gặp khó khăn, đồng thời do thẻ vàng làm giảm 30% lượng thủy hải sản sang châu Âu thì việc tháo gỡ thẻ vàng không chỉ có lợi cho phía Việt Nam mà còn có lợi cho cả châu Âu.

Phần Lan là chặng dừng chân cuối của chuyến công tác. Phần Lan là đối tác truyền thống lâu đời, là nước đầu tiên trong khu vực Bắc Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1972), và kể từ đó đến nay quan hệ hai nước phát triển rất tốt đẹp.

Trong cuộc hội đàm với bà Chủ tịch Quốc hội, hội kiến với Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan, bạn cũng đánh giá rất cao cố gắng của Việt Nam, nỗ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế, xã hội thời gian vừa qua.

Trước đây, Phần Lan từ một đối tác hỗ trợ phát triển, bây giờ là đối tác bình đẳng trong hợp tác thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực khác. Bạn cũng rất mong muốn được hợp tác với chúng ta trong những lĩnh vực có thế mạnh như chuyển đổi số, giáo dục, y tế, công nghiệp về công nghệ thông tin…

Về quan hệ nghị viện, trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo nghị viện các nước ở châu Âu, các bạn đều đánh giá rất cao cố gắng của Quốc hội Việt Nam là phát triển quan hệ nghị viện với các nước; nhấn mạnh quan hệ nghị viện giữa các bên là một kênh rất quan trọng, đặc biệt là ngoại giao nghị viện trong giai đoạn hiện nay đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vừa là thúc đẩy hợp tác giữa các chính phủ cũng như kết nối tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân các nước.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội cũng muốn nhấn mạnh Việt Nam-EU là quan hệ đối tác toàn diện nhưng lại mang tính chiến lược. Đây là những nội dung mà nghị viện của cả hai bên có thể đóng góp.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu sẵn sàng hưởng ứng đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về thiết lập một cơ chế góp phần tăng cường quan hệ giữa Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của quan hệ của Việt Nam-EU.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại châu Âu rất mong muốn tiếp tục thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa Ủy ban Thương mại quốc tế của EU với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, thúc đẩy việc thực hiện EVFTA và nhiều vấn đề khác trong quan hệ hai bên, để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của quan hệ hai bên.

Trong thời gian vừa qua do tác động của dịch bệnh, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam nói riêng và các nước nói chung chủ yếu thực hiện qua phương thức trực tuyến. Chuyến thăm lần này tới châu Âu là hoạt động ngoại giao trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Lợi thế của ngoại giao trực tiếp là chúng ta có cơ hội tiếp xúc với các bạn để trao đổi những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm mà không kênh trực tuyến không thể nào làm được.

Cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Nghị viện châu Âu đều đánh giá rất cao việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chọn châu Âu là điểm đến đầu tiên trong hoạt động đối ngoại trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XV, thể hiện sự coi trọng đối với quan hệ hai bên. Bạn cũng dành cho Chủ tịch Quốc hội nước ta các nghi thức lễ tân cao nhất.

- Mục tiêu quan trọng nữa của Đoàn công tác là thúc đẩy ngoại giao vaccine để hỗ trợ tích cực, đồng hành cùng Chính phủ phòng, chống dịch COVID-19; gặp gỡ, lắng nghe tình hình đời sống, kiến nghị của cộng đồng bà con Việt Nam ở xa Tổ quốc. Ông có thể thông tin thêm kết quả thực hiện hai nội dung này trong chuyến công tác?

Chủ nhiệm Vũ Hải Hà: Về ngoại giao vaccine, kể cả Chủ tịch Hội đồng và Chủ tịch Nghị viện châu Âu đều rất ủng hộ việc tăng cường nguồn cung vaccine cho các nước ASEAN.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói sẽ cung cấp qua cơ chế COVAX khoảng 500 triệu liều vaccine cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng đây là những cam kết rất mạnh mẽ. Việc tăng nguồn cung vaccine cho Việt Nam không chỉ giúp chúng ta phòng chống dịch bệnh có hiêu quả hơn mà còn không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong đó có các nước châu Âu.

Một trong những điểm nhấn của chuyến công tác là những kết quả cụ thể của ngoại giao vaccine và hợp tác phòng chống đại dịch COVID-19.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà phát biểu tại lễ bàn giao vaccine, vật tư y tế và kinh phí phòng, chống COVID-19. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đến nay, trong khuôn khổ chuyến công tác, Bỉ và Slovakia đã hỗ trợ 200.000 liều vaccine và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vaccine.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ các trang thiết bị và vật tư y tế, nhất là các bộ kit xét nghiệm COVID, tổng trị giá đạt trên 1.028 tỷ đồng (không bao gồm 200.000 liều vaccine do Bỉ và Slovakia tài trợ và một số vật tư y tế khác)…

Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm, một số hợp đồng liên quan đến sản xuất kit xét nghiệm, nghiên cứu và sản xuất vaccine đã được ký kết…

Một điểm nữa mà chúng tôi muốn nói đến đó là công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội tại các nước châu Âu diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận 12 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Đây là dịp rất tốt để Chủ tịch Quốc hội trao đổi với bà con về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Những cuộc găp gỡ với cộng đồng người Việt Nam mang lại nguồn động viên rất lớn để kiều bào ta cùng nhau vượt qua đại dịch, ổn định cuộc sống, chung tay góp sức hướng về quê hương bằng nhiều hành động, việc làm cụ thể.

Chúng ta mong muốn bà con tiếp tục đoàn kết xây dựng cộng đồng và Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ bà con làm sao có một cuộc sống ổn định, làm ăn lâu dài ở sở tại và phát huy được vai trò, đóng góp vào quan hệ của hai bên; quan tâm công tác giáo dục, duy trì văn hóa dạy tiếng Việt cho cộng đồng.

Từ những kết quả nổi bật, quan trọng của chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội lần này, sắp tới các cơ quan của Việt Nam tiếp tục phát huy kết quả này để đưa vào chương trình hành động trong thời gian tới, làm sao để chúng ta phát huy tốt nhất hoạt động đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, vượt qua khó khăn và phòng, chống dịch COVID-19 thành công.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục