Một cuộc khảo sát huyết thanh được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12/2021 cho thấy 86,6% người Indonesia trên 1 tuổi có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cuộc khảo sát trên do Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Indonesia (FKM UI), phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Viện nghiên cứu sinh học phân tử Eijkman và Phòng xét nghiệm Prodia tiến hành.
Những người tiến hành cuộc khảo sát đã phân tích 9.541 mẫu huyết thanh tại 514 phường thuộc các khu vực đô thị lớn của Indonesia, cũng như 10.960 mẫu huyết thanh tại 580 làng nông thôn.
Phát biểu họp báo ngày 18/3, nhà dịch tễ học Iwan Ariawan thuộc FKM UI cho biết việc mang kháng thể trong người không đồng với việc miễn nhiễm với COVID-19, song làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.
[Indonesia công bố kế hoạch chuyển sang thời kỳ bệnh đặc hữu]
Cuộc khảo sát tìm thấy kháng thể chống COVID-19 tại 99,1% số người đã được tiêm hai liều vaccine. Trong khi đó, tỷ lệ này là 91,3% ở những người mới chỉ được tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19.
Đáng lưu ý là có tới 73,9% số người chưa được tiêm chủng và 99,4% số người vừa mắc COVID-19 mang kháng thể. Tỷ lệ dân số mang kháng thể ở mức 90,8% tại các đô thị và 83,2% ở khu vực nông thôn.
Cũng tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết Indonesia có kế hoạch tiến hành khảo sát huyết thanh ít nhất 6 tháng một lần và cuộc khảo sát huyết thanh lần tới sẽ diễn ra vào giữa năm nay.
Kết quả các cuộc khảo sát này được chính phủ sử dụng để hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng, như chính sách tiêm chủng và hạn chế các hoạt động cộng đồng.
Số liệu thống kê của Chính phủ Indonesia cho thấy tính đến ngày 18/3, 194,4 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 153,5 triệu người được tiêm hai liều và 16 triệu người được tiêm ba liều.
Indonesia đã phát động chương trình tiêm chủng toàn quốc ngừa COVID-19 vào tháng 1/2021 với mục tiêu cung cấp vaccine cho 208,2 triệu người trong tổng số hơn 270 triệu dân./.