Trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mới đây về việc hoàn thiện báo cáo tiến độ thực hiện Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết vụ Đông Xuân 2024-2025 sẽ tổng kết để công nhận hệ số phát thải từ sản xuất lúa.
Để có cơ sở áp dụng rộng rãi các quy trình kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp cho toàn bộ diện tích của đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Các mô hình thí điểm sẽ thực hiện trong 3 vụ, đến vụ Đông Xuân 2024-2025 sẽ tổng kết để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận hệ số phát thải từ sản xuất lúa.
Ngoài diện tích Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn xây dựng mô hình thí điểm, Ủy ban Nhân dân 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng Kế hoạch triển khai mở rộng diện tích sau khi các mô hình điểm đạt kết quả cụ thể.
Mô hình thí điểm canh tác lúa thuộc đề án tại thành phố Cần Thơ vụ Hè Thu 2024 đã cho thu hoạch. Kết quả sơ bộ cho thấy, tổng chi phí đầu vào giảm khoảng 10-15% so với mô hình đối chứng; phân bón giảm 30% lượng bón đạm; giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật; giảm lượng nước tưới khoảng 30-40%.
Năng suất lúa tăng 10,5% so với mô hình đối chứng. Lợi nhuận mô hình điểm cao hơn từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha, tương ứng từ 6,6-31,5%.
Về giảm phát thải khí nhà kính, giảm từ 2-12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa gạo được sản xuất tại các mô hình thí điểm.
Thực hiện đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện đề án.
Theo kế hoạch, trong 2 giai đoạn (2024-2025 và 2026-2030), trên 1 triệu người sẽ được tập huấn, nâng cao năng lực.
Tại vùng chuyên canh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa tham gia đề án; tổng hợp nhu cầu đề xuất của các tỉnh và tìm kiếm nguồn lực để triển khai nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh; xây dựng xong đề xuất dự án nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.
Nhằm huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế thực hiện đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới để huy động nguồn lực.
Đến nay, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cơ bản thống nhất hỗ trợ thực hiện đề án với 3 nguồn lực cơ bản. Đó là viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc ủy thác qua Ngân hàng Thế giới; nguồn từ Quỹ chuyển đổi tài sản carbon (TCAF); nguồn vốn vay thực hiện dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long."
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đã bày tỏ quan tâm, đang chuẩn bị tư vấn sẵn sàng tổ chức khảo sát và cung cấp khoản vay cho việc thực hiện đề án. Nhiều tổ chức quốc tế khác đang chuẩn bị các khoản vốn viện trợ không hoàn lại hỗ trợ kỹ thuật để triển khai đề án, như các tổ chức quốc tế từ Australia, Canada, Mỹ, Đức, FAO, IRRI...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành cùng các tỉnh và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Viện lúa gạo Quốc tế (IRRI) xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải (MRV) phù hợp với các quy chuẩn quốc tế.
Để có cơ sở mở rộng ra toàn bộ diện tích của đề án từ năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang áp dụng thí điểm hệ thống này cho các mô hình điểm của đề án.
Dự kiến, sau khi có kết quả giảm phát thải từ các mô hình thí điểm tại 5 tỉnh (sau vụ Đông Xuân năm 2024-2025), hệ thống MRV sẽ được áp dụng cho toàn bộ diện tích của đề án làm cơ sở xác định hệ số phát thải và kết quả giảm phát thải.
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình xin Chính phủ cơ chế thí điểm chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả giảm phát thải cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp và tiếp đó là cơ chế thí điểm trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường đối với ngành hàng lúa gạo./.
Thu hoạch vụ lúa chất lượng cao đầu tiên ở Cần Thơ
50 hecta lúa đầu tiên của Cần Thơ tham gia Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn thu hoạch.