Thành phố Hồ Chí Minh đang có sự chuyển đổi rất mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, hướng đến nền kinh tế xanh; trong đó, phát triển công nghiệp phải ưu tiên công nghiệp xanh, công nghệ cao, nông nghiệp xanh.
Đây là nội dung được ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tại Hội nghị kết nối thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, diễn ra chiều 17/3 tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các địa phương và hơn 200 doanh nghiệp trong khu vực.
Ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, cho biết vùng Đông Nam Bộ có diện tích 23.600km2, dân số hơn 18 triệu người, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong cả nước về đổi mới và phát triển.
[Phát triển vùng Đông Nam Bộ: Xu hướng kinh tế xanh bền vững]
Các tỉnh Đông Nam Bộ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước với 32% GDP và 44,7% thu ngân sách của cả nước.
Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân và là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.
Riêng kết nối đầu tư giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Phước đến nay có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào địa phương với số vốn đăng ký là 19.739 tỷ đồng; có 2 siêu thị Co.op Mart tại thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú; có 71 cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh trên 11 huyện, thị xã, thành phố của Bình Phước đã và đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, phân phối Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đã thảo luận nhiều vấn đề trong phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu, khâu phân phối...
Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), trong kế hoạch phát triển thời gian tới, đơn vị hướng đến xây dựng mỗi huyện trên địa bàn các tỉnh thành Đông Nam bộ có ít nhất một trung tâm thương mại của đơn vị. Đối với việc đưa sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản vào hệ thống siêu thị của Saigon Co.op thì doanh nghiệp cần đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định.
Đại diện Sàn thương mại điện tử Tiki cho hay đối với các doanh nghiệp phân phối lớn thì áp lực về doanh số cũng sẽ rất lớn. Do đó, doanh nghiệp trước khi đưa sản phẩm lên sàn cần nghiên cứu kỹ thị trường, nhu cầu người tiêu dùng.
Đại diện đơn vị này cho rằng sàn thương mại điện tử là sân chơi cho tất cả các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể tiếp cận để chuyển đổi hình thức thương mại phù hợp.
Ông Trần Văn Mi cho rằng, Bình Phước với lợi thế cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 110 km, là cửa ngõ giao thương hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên.
Hiện nay, Bình Phước có 15 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, có 13 khu công nghiệp với diện tích 6.000 ha, đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 68%.
"Với lợi thế trên, Bình Phước kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh đang quan tâm thu hút, như hạ tầng khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, các dự án công nghiệp chế biến, logistics, công nghệ thông tin, công nghệ cao. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ hợp tác, kết nối giao thương với các doanh nghiệp tỉnh Bình Phước trong những lĩnh vực mà các bên có thế mạnh," ông Trần Văn Mi, cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, thời gian tới các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp trong vùng cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối giao thương, nắm bắt nhu cầu về chuyển đổi xanh để có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các vùng nguyên liệu, trung tâm chế biến và hệ thống bảo quản sản phẩm tại các địa phương, nhằm chủ động về nguồn cung; ưu tiên phân phối, tiêu thụ sản phẩm nội địa, những sản phẩm đặc trưng của địa phương trong vùng.
Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm chia sẻ thông tin về thị trường cho doanh nghiệp, địa phương trong vùng; Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tạo một không gian riêng tại thành phố để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong vùng, ưu tiên các sản phẩm "xanh", "sạch", đặc trưng./.