Một trong những khó khăn lớn nhất trong cải cách thủ tục hành chính theo lãnh đạo Tổng cục Thuế là sự chia sẻ kết nối thông tin khi mà có ngành, mỗi nơi lại dùng một phần mềm khác nhau.
Đây là vấn đề vừa được ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nêu lên tại “Hội nghị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và công bố chỉ số cải cách hành chính 2017 của Bộ Tài chính” sáng 12/9.
Đề xuất bỏ cách thông báo “in ra, gửi đi”
Theo ông Trí, việc kết nối thông tin nếu chỉ trong ngành tài chính như thuế, hải quan, kho bạc thì thuận lợi vì hệ thống công nghệ thông tin thống nhất, phần mềm dùng chung. Tuy nhiên, để kết nối với các bộ, ngành khác thì việc chia sẻ kết nối lại gặp khó.
[Thủ tục hành chính nào có chi phí thực hiện đắt đỏ nhất Việt Nam?]
Lãnh đạo ngành thuế nêu ví dụ về quản lý đất đai. Theo ông, văn phòng quản lý đất đai ở các tỉnh dùng rất nhiều phần mềm khác nhau, số lượng phần mềm có thể lên tới hàng chục. Bởi thế, việc kết nối theo ông Trí là rất khó.
Từ đó, vị lãnh đạo ngành thuế bày tỏ quan điểm sẽ có ý kiến cụ thể, báo cáo Bộ Tài chính làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất lại phần mềm, đảm bảo kết nối.
Ở hướng khác, trong quá trình thực hiện, ông Trí bày tỏ, ông nhận ra việc trao đổi thông tin giữa người nộp thuế và cơ quan thuế vẫn phải thực hiện theo cách, tới ngày giờ, cơ quan thuế phải thông báo nộp thuế tới người nộp thuế. Nếu người nộp thuế không thực hiện nộp sẽ cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phải gửi thông báo tiếp theo. Các quyết định này phải in ra rồi gửi tới người nộp thuế.
Bởi vậy, theo ông, cơ quan thuế đã xin chủ trương thay đổi cách thông báo bằng điện tử. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, hiện ứng dụng quản lý thuế hoàn toàn hỗ trợ việc thông báo tự động. Việc này theo ông chỉ cần một thao tác là có thể có hàng vạn thông báo nộp thuế, cưỡng chế nợ.
“Nếu như ta không xử lý được việc này thì ta làm giảm nhiều giá trị phần mềm, hai là tốn kém nhiều trong việc gửi nhận thông báo, ba là việc trên rõ ràng không đi đúng xu hướng điện tử hóa, cải cách thủ tục hành chính,” ông Trí nói.
Một vấn đề khác nữa theo ông Trí là nghị định 102/2009/NÐ-CP hiện tại khiến triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin rất mất công sức. Ông lấy ví dụ về thực tế Bộ Tài chính đang trình Chính phủ thay thế nghị định về hóa đơn điện tử. Nếu nghị định được thông qua, việc xây dựng dự án phần mềm, từ xác định từng yêu cầu, chức năng tới các tác nhân theo đúng nghị định trên thì có thể phải mất tới 6 tháng.
“Chúng tôi cho là nếu như vẫn làm như vậy thì khó kịp. Chúng tôi mong Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có nghiên cứu điều chỉnh phù hợp để đảm bảo đúng yêu cầu quản lý cải cách nghiệp vụ,” lãnh đạo ngành thuế nói.
Hiện đại hóa vẫn yếu
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông tỏ ra thấu hiểu những kiến nghị trên của ngành thuế.
Theo ông, nghị định 102/2009/NÐ-CP đã ban hành gần 10 năm, quá lạc hậu và chính phía Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sốt ruột.
Một trong những hướng sửa đổi theo ông là Bộ trưởng có thể có quyền quyết định quy trình rút gọn để đáp ứng việc sửa đổi các văn bản.
Cũng nói về cải cách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, hiện đại hóa vẫn đang là điểm yếu của ngành tài chính. Theo Thứ trưởng, hiện ngành có 961 thủ tục nhưng đưa vào dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 mới 46%, còn lại 54% vẫn là mức độ 1-2, trong đó có không ít là thủ tục vẫn ở mức độ 1.
Ông đề nghị các đơn vị chức năng trình bộ ngay trong tháng này lộ trình, nhiệm vụ từng cục, tổng cục để chuyển các thủ tục mức độ 1-2 lên mức độ 3-4. Mục tiêu được Thứ trưởng đặt ra là tới cuối năm, tỷ lệ thủ tục mức độ 3-4 phải là 60-65%. Tới 30/6/2019, tỷ lệ này lên 80% và tới hết năm 2019, tỷ lệ là 90%.
Thứ trưởng thẳng thắn, ông tới khu vực hành chính cong một cửa ở Móng Cái, Hạ Long thì thấy, những đơn vị này đã thực hiện tiếp nhận, xử lý vá trả kết quả tại đó với 88% thủ tục là mức độ 3-4.
Thứ trưởng cho rằng, mục tiêu ông nêu phía trên không khó. Vấn đề chỉ là “chưa phân công để làm.”/.