Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tối 10/11, tại thủ đô Berlin, Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam” do bà Cao Hồng Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hoàng Sa-Trường Sa tại Ba Lan, đứng đầu đã tiến hành chuyển giao quyền Trưởng ban luân phiên, nhiệm kỳ 2024-2026, cho Câu lạc bộ Trường Sa tại Cộng hòa Liên bang Đức do bà Bùi Thị Thu Minh làm Chủ tịch.
Với mong muốn kết nối cộng đồng Việt Nam tại châu Âu hướng về biển đảo quê hương, lan tỏa tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo trong cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế, ngày 2/7/2022, Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam” đã được thành lập với thành viên nòng cốt từ 12 quốc gia, gồm đại diện lãnh đạo các Câu lạc bộ yêu biển đảo ở các nước, trong đó có Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức là Câu lạc bộ biển đảo Việt Nam đầu tiên được thành lập tại châu Âu năm 2017.
Trong nhiệm kỳ Trưởng ban 2 năm đầu tiên, bà Cao Hồng Vinh cùng các thành viên Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam,” đặc biệt là Câu lạc bộ Hoàng Sa-Trường Sa tại Ba Lan, đã có nhiều hoạt động hết sức có ý nghĩa hướng về biển đảo quê hương.
Ban liên lạc đã tổ chức quyên góp, trao học bổng cho con em chiến sỹ Trường Sa thuộc các gia đình khó khăn, tới thăm và tặng quà cho trường mầm non, trường tiểu học ở Căn cứ Hải quân Cam Ranh, các cán bộ, chiến sỹ đang đóng quân tại Trường Sa.
Đáng chú ý, Ban liên lạc đã tổ chức thành công 2 hội thảo quốc tế “Biển Đông và Vấn đề chủ quyền của Việt Nam” hồi tháng 6/2022 tại Paris (Pháp) và “Hợp tác, Nghiên cứu và Phát triển” tại Warsaw (Ba Lan) trong tháng 5/2024.
Cả hai hội thảo đều thu hút hàng trăm học giả, trí thức, kiều bào đang sinh sống và học tập ở nước ngoài, đại diện các Câu lạc bộ yêu biển đảo các nước.
Các hội thảo khoa học này được đánh giá cao và là diễn đàn để các học giả, các nhà khoa học giới thiệu và trao đổi về nghiên cứu của mình về mọi vấn đề liên quan đến Biển Đông, nhằm tăng cường sự hiểu biết về Biển Đông trong cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu cũng như bạn bè quốc tế; làm rõ các cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền quốc gia tại Biển Đông cũng như kêu gọi các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) cùng các tổ chức quốc tế ủng hộ và tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học về Biển Đông.
Tham dự cuộc thi Giải thưởng về thông tin đối ngoại lần thứ 9 năm 2023, Hội thảo quốc tế về Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam đã mang về cho Ban liên lạc Giải Ba, Hạng mục Sáng kiến về sản phẩm thông tin đối ngoại.
Cộng đồng người Việt Nam tại Đức cũng có nhiều đóng góp hướng về biển đảo quê hương như tổ chức quyên góp để đặt và đóng mới xuồng chủ quyền mang số hiệu CQ-01 nhằm tặng cho cán bộ, chiến sỹ Trường Sa, được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân hồi tháng 5/2015.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức đã gây quỹ ủng hộ bộ tổ hợp tập thể thao đa năng, trị giá hơn 200 triệu đồng, cho các cán bộ, chiến sỹ Trường Sa, đồng thời tiếp tục ủng hộ thêm vào quỹ đóng mới những con xuồng chủ quyền cho Trường Sa.
Trong đợt dịch COVID-19, trong lúc trang thiết bị phòng dịch vô cùng khan hiếm tại Đức, Câu lạc bộ Trường Sa đã đặt từ Việt Nam và gửi tặng 100.000 khẩu trang cho nhân dân Đức, chia đều cho 16 bang.
Phát biểu tại buổi giao lưu và chuyển giao quyền Trưởng Ban Liên lạc, ông Chu Tuấn Đức, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức bày tỏ sự xúc động và đánh giá cao những đóng góp tích cực và có ý nghĩa của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với biển đảo quê hương.
Từ góc độ cơ quan đại diện Việt Nam ở Đức, ông cũng cam kết hết sức hỗ trợ các hoạt động của Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự giao lưu đã thảo luận sôi nổi về việc phát triển thành viên cho Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức và những hoạt động thiết thực và có ý nghĩa mà Câu lạc bộ này có thể triển khai trong thời gian sớm nhất như triển lãm tranh - ảnh về biển đảo Việt Nam, thi hát về biển đảo, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nối và quyên góp hỗ trợ quân và dân trên quần đảo Trường Sa./.
Kỷ niệm một năm ngày thành lập câu lạc bộ Trường Sa tại Hungary
Các hoạt động ý nghĩa của Câu lạc bộ đã lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, biển đảo tới người Việt ở Hungary, củng cố niềm tin về bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, gắn bó với quê hương đất nước.