Kết nối mạnh mẽ khu vực tư nhân nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế

Giữa bối cảnh phát triển kinh tế xã hội đang gặp nhiều khó khăn, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Những thời cơ, thách thức đối với nền kinh tế tiếp tục được các đại biểu Quốc hội bàn thảo trên nghị trường trong phiên làm việc hôm nay, ngày 29/5. Đặc biệt, nhiều đại biểu đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn,” tăng hiệu quả kích cầu, tạo đột phá cho nền kinh tế…

Kết nối kinh tế tư nhân

Trao đổi bên lề nghị trường với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, bày tỏ đồng tình với những nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thực sự lo lắng về số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường với tỷ lệ cao, nhiều dự án đầu tư còn dở dang, tài sản công sử dụng chưa hiệu quả.

Đại biểu đánh giá cao 11 giải pháp Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn. Theo đó, để kết nối khối kinh tế tư nhân, đại biểu cho rằng: “cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; Chính phủ cũng trình việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%; cùng với đó tiếp tục cơ cấu nợ, ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất kiểm soát lạm phát.”

“Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động khó lường, khó đoán định như hiện nay, tôi đề xuất phải tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo. Mặt khác, với tình hình giá cả biến đổi nhanh, thủ tục trong đầu tư công về tổng vốn đầu tư hay thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù,” đại biểu Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đồng quan điểm với đại biểu Hoàng Ngân, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng việc số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng là thực tế đáng suy ngẫm.

Đại biểu kiến nghị cần có giải hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động, có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai…

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị thêm một số giải pháp nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu đề nghị Quốc hội có chính sách tài khóa phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển; cần có cơ chế chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm; đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN)

“Sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh, giảm thời gian chi phí tuân thủ và các chi phí không chính thức không trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Cung cấp thông tin hỗ trợ, pháp lý, kỹ thuật, kỹ năng quản trị và tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển,” đại biểu đề xuất.

Gỡ “nút thắt” cách nào?

Bày tỏ thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhưng đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 còn một số hạn chế: tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, logistic trong nông nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn…

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp: “Thứ nhất, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự đột phá trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, để ngành công nghiệp này trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế.”

Thứ hai, “cần tiếp tục có những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm gia tăng hơn nữa giá trị và hiệu quả của chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam,” đại biểu Đại Thắng đề xuất.

Thứ ba, theo đại biểu cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đồng bộ kết nối đến tận các vùng nguyên liệu; có chính sách để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp nông thôn bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để tăng đầu tư kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn…

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu. (Ảnh: TTXVN)

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay, theo Đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, quan trọng là cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển, trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.

Đại biểu đề nghị khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Đại biểu cũng đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế.

Tuy nhiên, theo đại biểu Chính phủ, các bộ, ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; trong đó tập trung triển khai nghiêm túc Nghị định 73 năm 2023 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng đã ban hành về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tình trạng này thời gian qua khá phổ biến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục