Kết nối mạng các nhà thuốc để giám sát bán thuốc theo đơn

Hiện trên toàn quốc có 41.394 cơ sở bán lẻ, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân; 1200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7300 đại lý.
Kết nối mạng các nhà thuốc để giám sát bán thuốc theo đơn ảnh 1Mua-bán thuốc chữa bệnh tại một cửa hàng trên đường Giải Phóng, Hà Nội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 và Dự án kết nối mạng toàn quốc các cơ sở cung ứng thuốc đang được đẩy mạnh triển khai.

Mục tiêu trong năm 2018 sẽ kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc.

[Cung ứng hơn 2 triệu liều vắcxin phòng bệnh dại trong năm 2018]

Theo Bộ Y tế, việc nối mạng hệ thống nhà thuốc không chỉ kiểm soát việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn mà còn góp phần kiểm soát được giá thuốc, việc thu hồi thuốc và hạn chế được tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc tại các nhà thuốc.

Từ ngày 4/1/2018, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng công nghệ thông tin đối với nhà thuốc tại 4 tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Nam Định, tỉnh Vĩnh Phúc.

Dự kiến trong năm 2018, dự án kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc sẽ hoàn thành, nhằm mục tiêu kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào – bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc để góp phần giám sát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá thuốc và chất lượng thuốc.

Với quy định này, tất cả các cơ sở bán lẻ cũng bắt buộc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin với lộ trình cụ thể.

Theo đó, đối với nhà thuốc, đến ngày 1/1/2019 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển Giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.

Đối với quầy thuốc, đến ngày 1/1/2020 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.

Đối với tủ thuốc trạm y tế xã, đến ngày 1/1/2021 phải có thiết bị và thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.

Theo Thông tư 02/2018/TT-BYT Bộ Y tế ban hành ngày 22/01/2018 quy định về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và Thông tư 03/2018/TT-BYTngày 09/02/2018 quy định về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tất các các cơ sở bán buôn thuốc phải có máy tính kết nối internet và thực hiện quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính.

Các cơ sở bán thuốc phải có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý khi được yêu cầu. Đây cũng sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc.

Các nhà thuốc trong quá trình hoạt động cần định kỳ kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm một lần. Cơ quan quản lý cũng sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch.

Bộ Y tế sẽ thực hiện rà soát bổ sung những hành vi vi phạm về việc không chấp hành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kết nối mạng với mức phạt đủ sức răn đe, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện trên toàn quốc có 41.394 cơ sở bán lẻ, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân; 1200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7300 đại lý.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4041/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”.

Đề án có mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng tâm là kháng sinh, qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục