Kết nối, lưu truyền văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer

Những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã và đang làm tốt vai trò là điểm kết nối, duy trì những nền nếp, lối sống văn hóa truyền thống của người Khmer nơi đô thị.
Kết nối, lưu truyền văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ảnh 1Tòa chính điện phía bên trong chùa Candaransi. (Nguồn: baodantoc.vn)

Đời sống cộng đồng người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh có những thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với xã hội hiện đại.

Trong bối cảnh đó, những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã và đang làm tốt vai trò là điểm kết nối, duy trì những nền nếp, lối sống văn hóa truyền thống của người Khmer nơi đô thị.

Phật giáo Nam tông trong đời sống người Khmer

Lưu truyền qua nhiều thế hệ, Phật giáo Nam tông Khmer trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần, tâm linh của người Khmer, gắn chặt với đời sống người dân Khmer Nam Bộ với những quan điểm về nhân sinh quan, thế giới quan và đã trở thành nguồn gốc tư tưởng, tác động hình thành nên đặc trưng văn hóa của cộng đồng người Khmer Nam Bộ.

Phong tục đi chùa vào những ngày trọng đại không chỉ là hoạt động mang tính chất thuần túy tôn giáo mà đã trở thành một tục lệ, một truyền thống văn hóa lâu đời, có giá trị lưu truyền trong cộng đồng.

[Tăng cường bảo tồn di sản văn hóa múa rom vong độc đáo của người Khmer]

Người Khmer không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội mà đều được xem như một tín đồ Phật giáo và lớn lên trong sự dạy dỗ theo tinh thần đạo lý của nhà Phật.

Ông Danh Chia, người Khmer quê ở Kiên Giang, nay sống tại Phường 10, quận Tân Bình - địa bàn tập trung đông người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết do những biến cố lịch sử trong quá khứ, phần đông đồng bào Khmer hiện nay ở thành phố đều đã trải qua những năm tháng di cư ở nhiều nơi trước khi trở về lại thành phố.

Mặc dù có lúc khó khăn, cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng đồng bào Khmer vẫn luôn giữ được những nét cốt cách bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống.

Theo ông Danh Chia, cả gia đình ông đều theo Phật giáo Nam tông Khmer và thường xuyên đến chùa trong những ngày lễ trọng đại. Sống ở thành phố, các con trai ông đã từng có thời gian đi tu tập trong chùa.

Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, cách ứng xử trong gia đình và với xã hội của các thế hệ trong gia đình ông vẫn tuân theo những những giáo lý nhà Phật đã được các nhà sư truyền dạy.

Các con của ông không chỉ giữ tiếng nói Khmer mà còn được dạy chữ Khmer, biết về văn hóa Khmer.

Vào mỗi dịp lễ, Tết, cả gia đình vẫn thường cùng nhau làm cơm cúng thời phụng tổ tiên hoặc lên chùa làm lễ. Việc ăn mặc, múa hát trong những ngày lễ của dân tộc vẫn giữ được nếp cũ xưa kia của cha ông.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Ngọc Thu, Trưởng khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - một người có nhiều năm nghiên cứu về cuộc sống đồng bào Khmer cho hay, người Khmer ở Nam Bộ nói riêng và ở Việt Nam nói chung hầu hết là người theo Phật giáo Nam tông.

Trong đời sống văn hóa của cộng đồng và cá nhân, người Khmer rất xem trọng ngôi chùa, bởi đây là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng, thể hiện văn hóa-tôn giáo, mang tính giáo dục và tính cố kết xã hội của cộng đồng. Nhìn chung, chùa của người Khmer không chỉ có vai trò về mặt tôn giáo mà còn có vai trò rất quan trọng về mặt văn hóa-xã hội trong cộng đồng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Ngọc Thu, cộng đồng Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn theo Phật giáo Nam tông nhưng nếp sống, sinh hoạt văn hóa người Khmer sinh sống lâu năm tại thành phố có những khác biệt do sự thích ứng với điều kiện cuộc sống đô thị.

Trong bối cảnh đó, những ngôi chùa Khmer trong thành phố đã và đang trở thành những điểm kết nối, góp phần lưu truyền phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của người Khmer tới các thế hệ sau.

Gìn giữ truyền thống dân tộc trong cuộc sống hiện đại

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hai ngôi chùa Khmer là Candaransi (quận 3) và Pothivong (quận Tân Bình).

Đây là hai trung tâm sinh hoạt văn hóa-tôn giáo của cộng đồng Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng lân cận.

Hằng năm, vào mùa lễ hội, hai nơi này thường tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến sinh hoạt văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Khmer và là nơi tổ chức các lớp dạy chữ Khmer, giáo dục về đạo đức Phật giáo…

Nằm ngay bên bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (Quận 3), chùa Candaransi là ngôi chùa lớn nhất, có kiến trúc điển hình của Phật giáo Nam tông Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa Candaransi được coi là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, nơi bảo trợ bà con Khmer những lúc khó khăn trong những năm có chiến tranh.

Bên cạnh đó, chùa Candaransi vừa là trường học dạy chữ viết cho đồng bào Khmer tại thành phố vừa là điểm kết nối văn hóa, giao lưu giữa cộng đồng người Khmer và người dân thành phố.

Theo Hòa thượng Danh Lung, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Candaransi cho biết ngôi chùa Candaransi được coi là một địa điểm che chở, quây quần bà con Khmer trong thành phố, là điểm kết nối văn hóa, tình đoàn kết dân tộc với người dân thành phố, là nhân tố làm đẹp thêm truyền thống dân tộc, tôn giáo của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Chùa Candaransi có truyền thống đấu tranh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và ngày nay luôn thể hiện vai trò hướng dẫn đồng bào Khmer tu tập theo giáo lý Phật, thực hành văn hóa theo truyền thống dân tộc.

Trong cuộc sống hiện đại tại đô thị, ngày càng ít hơn người dân sống tập trung quanh chùa, giới trẻ người Khmer sử dụng tiếng Việt, tiếng Anh nhiều hơn tiếng Khmer; văn hóa các dân tộc khác, quốc gia khác ngày càng biểu hiện nhiều hơn trong cuộc sống của gia đình người Khmer tại thành phố trong xu thế hội nhập, giao thoa văn hóa.

“Thông qua các hoạt động tu tập tín ngưỡng Phật giáo Nam tông Khmer, giảng dạy tiếng Khmer và tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống trong các ngày lễ, hội như Sene Dolta, Tết Chol Chnam Thmay…, chùa Candaransi và các tăng sư đang góp phần tích cực vào việc lưu giữ, truyền dẫn đến các thế hệ người Khmer tại thành phố về những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Khmer Nam Bộ,” Hòa thượng Danh Lung nói.

Không chỉ làm tốt vai trò giảng dạy tiếng Khmer, hỗ trợ nghiên cứu văn hóa, chùa Candaransi còn tiếp nhận, cưu mang chỗ ăn, chỗ nghỉ cho nhiều chư tăng, sinh viên từ các tỉnh, địa phương khác lên thành phố học tập.

Từ năm 1995 đến nay, trên 100 chư tăng và 300 sinh viên đã đến cư trú tại chùa. Nhiều người trong số đó đã trở về quê hương trở thành các chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cán bộ các sở, ngành địa phương.

Kết nối, lưu truyền văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ảnh 2Một buổi đại lễ tại chùa Pothiwong. (Nguồn: baodantoc.vn)

Bạn Chu Bích Ngọc (ở Cà Mau, sinh viên Khmer đang theo học tại Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, vào dịp rằm, mùng 1 và những ngày lễ, hội, em thường đến chùa Candaransi trực tiếp tham gia và tìm hiểu thêm về lối sống, sinh hoạt văn hóa truyền thống như tục tắm Phật ngày Tết, nấu các món ăn truyền thống, tập các điệu múa, bài hát dân tộc trong các ngày lễ hội của người Khmer.

Mỗi mùa Hè, giờ đây đã thành thói quen, Bích Ngọc sẽ cùng một số sinh viên người Khmer khác đến chùa để phụ giúp các nhà sư giảng dạy tiếng Khmer cho trẻ em và những người mới làm quen với chữ Khmer.

Với Bích Ngọc, việc giảng dạy chữ cho người Khmer là niềm vui không chỉ riêng em mà đó còn là nghĩa vụ của thế hệ trẻ gìn giữ truyền thống dân tộc Khmer trong cuộc sống hiện đại.

Đại đức Châu Hoài Thái, Phó ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện tu tập tại chùa Candaransi chia sẻ: Chùa Candaransi bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc tổ chức chương trình văn nghệ, chơi trò chơi dân gian.

Thông qua các lễ hội được tổ chức đúng truyền thống văn hóa phù hợp với thành phố năng động, giúp giới trẻ người Khmer tại Thành phố hiểu biết, tôn quý giá trị văn hóa truyền thống, từ đó hiểu đúng ý nghĩa của lễ hội, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao vai trò của người Khmer trong xây dựng cộng đồng, xây dựng và bảo vệ đất nước cùng các dân tộc, tôn giáo khác chung tay xây dựng thành phố và đất nước.

Bên cạnh đó, các lớp học chữ và viết còn là cầu nối lan tỏa văn hóa dân tộc, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng người Khmer với đồng bào các dân tộc khác. Việc biết đọc và viết chữ Khmer là nguyện vọng của rất nhiều đồng bào đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Ngọc Thu, các nghiên cứu thực tế cho thấy, các nhà sư là những người am hiểu, giữ gìn, thực hành và truyền dạy văn hóa truyền thống cho các thế người Khmer trong cộng đồng. Vì vậy, có thể khẳng định, các nhà sư ở chùa Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh là những người có vai trò rất quan trọng việc tổ chức những hoạt động liên quan đến tôn giáo-tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa truyền thống, giáo dục cộng đồng thu hút rất đông đồng bào Khmer tham dự tại chùa Candaransi.

“Đây chính là việc thể hiện vai trò quan trọng của tôn giáo Nam tông Khmer, các ngôi chùa Khmer và những nhà sư trong việc giữ gìn và giáo dục văn hóa truyền thống cho đồng bào Khmer sinh sống ở đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Ngọc Thu khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục