Kết nối giao thương doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam và ASEAN

Mục đích của cuộc giao thương lần này là xúc tiến xuất khẩu, nghĩa là doanh nghiệp có thể mang được sản phẩm bán ra thị trường nước ngoài để thu ngoại tệ.
Các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, đàm phán, tìm kiếm nhà cung cấp tại Chương trình. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Trong hai ngày 16 và 17/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban quản lý Khu Chế xuất và khu công nghiệp thành phố (HEPZA) và Trung tâm phát triển Công nghiệp hỗ trợ thành phố tổ chức Chương trình kết nối doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Nhật Bản, Việt Nam và các nước ASEAN.

Theo Ban tổ chức, chương trình kết nối lần này thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp. Đặc biệt, đối tượng tham gia bên mua không chỉ là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Việt Nam mà còn có các đại diện của các tập đoàn lớn trên thế giới đến từ các nước ASEAN như Canon Hi-Tech Thái Lan, Sony EMCS Malaysia, Sharp Corporation, NEC Plasforms Thái Lan…

Ông Okubo Fumihiro, Giám đốc dự án của JETRO tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ trước đến nay, JETRO có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối giao thương để đẩy mạnh tỷ lệ cung ứng nội địa.

Tuy nhiên, khác với những lần trước, mục đích của cuộc giao thương lần này là xúc tiến xuất khẩu, nghĩa là doanh nghiệp có thể mang được sản phẩm bán ra thị trường nước ngoài để thu ngoại tệ. Đây là thí điểm đầu tiên mà JETRO thực hiện trong một chương trình kết nối giao thương.

“Chúng tôi hy vọng đây là cơ hội mới và bước đầu tạo cơ hội giao thương giữa các doanh nghiệp, nhằm nâng cao tỷ lệ cung ứng nội địa, thúc đẩy việc xuất khẩu cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời mong muốn đóng góp vào việc nâng cao tỷ lệ thu mua từ các nước khu vực ASEAN của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Thái Lan, Singapore, Malaysia,” ông Okubo Fumihiro chia sẻ.

Hiện tỷ lệ cung ứng nội địa của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn khá thấp.

Theo thông tin từ JETRO, tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện của các doanh nghiệp nội địa Việt Nam giảm nhẹ trong năm 2015, từ 14,4% trong năm 2014 xuống còn 13,2%. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nước trong khu vực như Indonesia (20,3%), Thái Lan (24,1%), Trung Quốc (36,8%)…

Tỷ lệ nội địa hóa trong khối chế tạo của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2015 là 32,1%, giảm nhẹ so với mức 33,2% trong năm 2014.

Ngành công nghiệp hỗ trợ đang được Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đang kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư tập trung vào 4 lĩnh vực mũi nhọn là điện-điện tử, hóa chất, cơ khí và chế biến tinh lương thực-thực phẩm.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang nỗ lực xây dựng mô hình cơ sở hạ tầng phù hợp với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thông qua mô hình phân khu công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp, mô hình nhà xưởng cao tầng xây sẵn và các cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay phù hợp đối với doanh nghiệp…/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục