Kết nối giao thương 6 tỉnh Bắc Trung bộ với Lào và Thái Lan

Ngày 7/7, Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ với doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Lào và Thái Lan, diễn ra tại Quảng Bình.
Kết nối giao thương 6 tỉnh Bắc Trung bộ với Lào và Thái Lan ảnh 1Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Ngày 7/7, tại thành phố Đồng Hới, Cục xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương và Sở Công Thương Quảng Bình đã phối hợp tổ chức hội nghị kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa giữa doanh nghiệp 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ (Huế, Quảng trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa) với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Thái Lan.

Dự hội nghị có trên 230 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý đến từ Bộ Công Thương Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sạ Vẳn Na Khệt - Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khỏn Kèn-Vương quốc Thái Lan; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị; các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố của Việt Nam, Lào và Thái Lan.

Hội nghị kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa là sự kiện quan trọng thuộc Đề án “Tổ chức đón đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ”, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại Việt Nam năm 2023 do Bộ Công Thương Việt Nam phê duyệt.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, hội nghị là hoạt động có ý nghĩa thiết thực cả về kinh tế, chính trị và xã hội nhằm tạo cơ hội giao lưu hợp tác, tìm kiếm mở rộng thị trường, kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ và một số tỉnh, thành phố của Việt Nam với các doanh nghiệp, nhà phân phối đến từ nước Lào và Thái Lan.

Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tận dụng được các cơ hội và ưu đãi của các hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới đã được ký kết giữa Việt Nam và Lào, Việt Nam với Thái Lan và mở rộng ra các nước thành viên ASEAN.

Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm, đã giới thiệu khái quát về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh , đồng thời, nhấn mạnh sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, nối tiếp chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư, công bố quy hoạch tỉnh Quảng Bình và kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới.

Đây cũng là cơ hội lớn để các đơn vị, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trao đổi, tìm kiếm đối tác, xúc tiến đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, giao thương hàng hóa giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Thái Lan.

Ông Đoàn Ngọc Lâm khẳng định: Quảng Bình luôn mong muốn và sẵn sàng trở thành trung tâm để các cơ quan, doanh nghiệp 6 tỉnh Bắc Trung bộ, các tỉnh lân cận của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Thái Lan thường xuyên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội đầu tư, giao thương, hợp tác cùng phát triển trong các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Chu Đức Dũng, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khỏn Kèn, Vương quốc Thái Lan cho biết, năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Thái Lan đạt 21,56 tỉ USD; trong đó, kim ngạch xuất và nhập khẩu lần lượt đạt 7,47 tỉ USD và 14,09 tỉ USD.

Thái Lan vẫn duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan trong ASEAN và lớn thứ 6 trên thế giới sau Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU và Malaysia.

Về đầu tư, trong năm 2022, Thái Lan có 37 dự án cấp mới và hiện có 677 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 13,09 tỉ USD. Thái Lan xếp vị trí thứ 9 các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và xếp vị trí thứ 3 trong ASEAN. Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu vào Thái Lan rất lớn khi cộng đồng Việt kiều đông đảo đang sinh sống tại đất nước này.

[Hội chợ Thương mại Việt-Lào 2022 kết nối tình đoàn kết hữu nghị]

Để đẩy mạnh kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá tại thị trường các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, ông Chu Đức Dũng cho rằng, doanh nghiệp của Việt Nam cần phải chủ động, tích cực, chịu khó, linh hoạt, nắm bắt thời cơ để tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, xây dựng hình ảnh công ty, khẳng định phong cách làm việc uy tín, chuyên nghiệp, hiện đại; đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, áp dụng mô hình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Các đơn vị doanh nghiệp cần có bộ phận kiểm tra hậu bán sản phẩm để tìm hiểu thêm về mong muốn thị trường cũng như giúp bảo hành sản phẩm.

Kết nối giao thương 6 tỉnh Bắc Trung bộ với Lào và Thái Lan ảnh 2Các doanh nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Lào và Thái Lan ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Về xuất khẩu, cần tìm hiểu nhu cầu của thị trường, đa dạng mẫu hàng hóa; làm tốt quảng cáo sản phẩm, tích cực tìm kiếm thị trường, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ thực hiện trực tiếp qua hệ thống siêu thị, nhà hàng, nhà phân phối tại Thái Lan; thông qua đối tượng là sinh viên, người lao động, kiều bào sở tại để sử dụng và giới thiệu sản phẩm; đồng thời các doanh nghiệp thân thiết tại Thái Lan cũng là cầu nối để giới thiệu sản phẩm Việt Nam với nước bạn.

Cùng với đó, nhà nước 2 bên có sự hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho hàng hóa 2 nước được lưu thông dễ dàng. Các tỉnh kết nghĩa đề ra những chính sách đặc thù đối với những sản phẩm 2 địa phương thông các các kiến nghị của doanh nghiệp trong các cuộc đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian thảo luận về tiềm năng, cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa 6 tỉnh Bắc Trung bộ và các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam vào thị trường Lào, Thái Lan và các nước ASEAN trong bối cảnh hiện nay; trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông sản phục vụ xuất khẩu; giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu quốc tế Việt Nam-Lào-Thái Lan.

Dịp này, 15 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp khu vực Bắc Trung bộ và các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Vương Quốc Thái Lan đã được ký kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục