Kết nối giao thông ĐBSCL để cơ bản hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh

Chiều 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về hiệu quả đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Kết nối giao thông ĐBSCL để cơ bản hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh ảnh 1Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm trình bày báo cáo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 10/3, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm, dự án được khởi công xây dựng năm 2000. Công tác quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo và được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lập, trình duyệt theo quy định từ quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch chi tiết, quy hoạch hệ thống đường ngang nối đường Hồ Chí Minh với các tuyến đường bộ quốc gia theo trục dọc Bắc-Nam, các cửa khẩu quốc tế, cảng biển, cảng hàng không, các trung tâm kinh tế, chính trị; đồng thời để tăng cường hiệu quả đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải đã quy hoạch các trạm dịch vụ, trạm dừng nghỉ trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Các quy hoạch được phê duyệt đều đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển Giao thông vận tải và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Các quy hoạch này từng bước được đầu tư để hình thành mạng lưới giao thông đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, tạo thuận lợi trong việc ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố an ninh quốc phòng; là cơ sở quan trọng để thực hiện đầu tư và giao địa phương quản lý quỹ đất.

Thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 110/NQ-CP của Chính phủ, toàn bộ nội dung quy hoạch tuyến đường Hồ Chí Minh đã được tích hợp vào quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam nói chung, trong đó có quy hoạch đường Hồ Chí Minh nói riêng đã được công bố công khai theo quy định của Luật Quy hoạch để các địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân được biết, tham gia đầu tư và giám sát thực hiện quy hoạch, bảo đảm tính công khai, minh bạch của quy hoạch tuyến đường Hồ Chí Minh.

[Khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội]

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết Dự án đường Hồ Chí Minh là Dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 năm 2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, dài 3.183km, tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía tây dài 684km; đi qua 28 tỉnh, thành phố.

Dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Quá trình giám sát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên cho đến nay, theo Báo cáo của Chính phủ, Dự án vẫn chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến theo yêu cầu của Nghị quyết.

Đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, Dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó, tỉnh Cao Bằng đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, với quy mô 2 làn xe. Đối với phân kỳ đầu tư sau năm 2020, dự án được triển khai rất chậm so với yêu cầu đặt ra. Trong 5 năm (2017-2021), chỉ triển khai được khoảng 8% tổng khối lượng.

Tính đến thời điểm hiện tại, để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh còn lại 171km của 3 đoạn: Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng-Chợ Bến và Rạch Sỏi-Bến Nhất-Gò Quao-Vĩnh Thuận, chưa bố trí vốn (tổng mức đầu tư khoảng 10.770 tỷ đồng) để triển khai thực hiện, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy cho đến nay tiến độ triển khai Dự án đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe theo quy định và chưa rõ thời gian kết thúc.

Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Dự án vẫn còn một số tồn tại, cần rút kinh nghiệm như công tác lập kế hoạch nhu cầu vốn và phân bổ kế hoạch vốn chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và nhu cầu vốn thực tế của Dự án; một số dự án BOT, BT chưa được quản lý phù hợp, không khả thi về phương án tài chính, khó khăn huy động vốn; một số dự án phải dừng, giãn, điều chỉnh đã làm kéo dài thời gian hoàn thành...

Kết nối giao thông ĐBSCL để cơ bản hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh ảnh 2Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thảo luận và cho ý kiến về dự án đường Hồ Chí Minh, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng dự án đầu tư là kịp thời, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai dự án này vẫn còn một số đoạn tuyến vẫn chưa hoàn thành, cần tiếp tục triển khai. "Trong 3 đoạn tuyến, có đoạn tuyến nằm trên các tỉnh Tây Nguyên chỉ thực hiện trong 1 năm rưỡi là hoàn thành và thực hiện theo hình thức PPP nên được triển khai nhanh. Vấn đề đầu tư PPP rất có hiệu quả, thay cho việc dự án chỉ trông chờ vào đầu tư công," Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay.

Tiếp thu giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ hết sức quan tâm đến tuyến đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải xác định có 2 trục đường quan trọng đó là Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, những con đường này không chỉ đầu tư làm mới mà còn đầu tư duy tu sửa chữa.

"Đường Hồ Chí Minh phải là con đường tốt nhất mang tính chiến lược. Tuy nhiên tiến độ đến nay đã bị chậm, nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Trước năm 2016 đầu tư làm rất tốt, nhưng sau đó do khủng hoảng kinh tế, cho nên thiếu vốn, một số dự án giao thông bị ảnh hưởng. Từ năm 2016 đến nay đã có nhiều tuyến nhánh đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư nhưng vẫn chậm," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chính phủ đã bố trí hơn 16.000 tỷ đồng để đầu tư tiếp trong tuyến đường Hồ Chí Minh. Đoạn đi qua tỉnh Tuyên Quang có ý nghĩa lịch sử, thông tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ giúp việc xóa đói giảm nghèo cho người dân, nhưng đến nay vẫn còn một số đoạn, tuyến vẫn chưa được đầu tư. "Tuyến Bến Nức-Gò Quao cũng vậy. Mong rằng Quốc hội cần ban hành một nghị quyết riêng giao Chính phủ tiếp tục đầu tư và thời gian hiện lực của nghị quyết đến 2025 phải xong, chắc chắn tuyến đường này sẽ đẩy nhanh tiến độ và sớm đưa vào sử dụng thông toàn tuyến theo Nghị quyết 66 của Quốc hội," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và cơ quan liên quan về việc bố trí nguồn vốn, tập trung xây dựng tuyến đường quan trọng này. Điều này có ý nghĩa quan trọng vào phát triển đất nước, nhất là đối với bà con các dân tộc vùng khó khăn là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, do dự án chậm tiến độ nên đề nghị Chính phủ rà soát các đoạn tuyến còn lại trong điều kiện đã và đang có nhiều tuyến đường triển khai như tuyến đường cao tốc, Quốc lộ 1A, đường ven biển để phù hợp với quy hoạch giao thông và khả năng cân đối của ngân sách và huy động nguồn lực xã hội để thực hiện từng đoạn tuyến, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền của từng đoạn tuyến, Chính phủ quyết định nếu thuộc thẩm quyền hoặc trình Quốc hội nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh trước mắt, rà soát và sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2021-2025, còn nguồn vốn đầu tư công bố trí cho chương trình phục hồi phát triển kinh tế, hoàn thiện thủ tục hồ sơ và tập trung cao độ để tổng hợp, không xé lẻ dự án, sớm đầu tư đoạn Chợ Chu-ngã ba Trung Sơn để kết nối giao thông của An toàn khu Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và đoạn Rạch Sỏi-Gò Quao-Vĩnh Thuận nhằm kết nối giao thông Đồng bằng sông Cửu Long để cơ bản hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục