Ngày 9/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt kiều với doanh nghiệp trong nước, nhằm tiếp tục tạo mối liên kết giữa những người quản lý Nhà nước với doanh nhân Việt kiều và làm cầu nối để các doanh nghiệp Viêt kiều với doanh nghiệp trong nước tăng cường mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp của Việt kiều hoạt động trong lĩnh vực nông sản đến từ các nước Đan Mạch, Israel, Thụy điển, Nga, Bulgaria, Pháp...
Giới thiệu về tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam đạt 3,31%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 30,86 tỷ USD. Trong đó, có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng đầu thế giới như: đồ gỗ, cà phê, tiêu, điều và các loại rau quả.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp hiện nay cũng đang gặp rất nhiều hạn chế, trong đó khó khăn nhất hiện nay của nông sản Việt Nam là kết nối thị trường.
Chính điều này khiến nông sản hiện nay có hàm lượng giá trị gia tăng khá thấp, thu nhập của các hộ nông dân còn khá bấp bênh, chưa ổn định.
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Việt kiều cho biết vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong kết nối với doanh nghiệp trong nước, do không tìm được các doanh nghiệp uy tín có thể đảm bảo đúng số lượng, chất lượng, mẫu mã.
Mặt khác, khó khăn trong vận chuyển nông sản, cước phí cao, thời gian dài cũng gây cản trở trong việc cung cấp, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong nước.
Theo nhiều doanh nghiệp Việt kiều, nếu nông sản không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ không có sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng cần phải có đầu mối trung gian, có thể là cơ quan quản lý, tập hợp các doanh nghiệp nông sản Việt Nam có uy tín, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp mới dễ dàng và không mất thời gian để kiểm tra độ tin cậy trong giao thương.
Đánh giá cao vai trò của các thương nhân người Việt tại nước ngoài, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đây chính là kênh phân phối hiệu quả nhất để đưa hàng nông sản Việt Nam ra thế giới.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó chủ yếu là lĩnh vực chế biến và thương mại nông nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc đề xuất các chính sách ổn định lâu dài, Nhà nước cũng cần triển khai các công việc liên quan như tổ chức lại sản xuất để nông dân có thể hợp tác với các doanh nghiệp./.