Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/12 đã tổ chức "Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Mỹ và Việt Nam" ở thành phố San Francisco.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự và có bài phát biểu chào mừng diễn đàn. Cùng dự có ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài; ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đông đảo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt Nam tại Mỹ và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh khởi nghiệp sáng tạo là một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp Việt ở Mỹ đã thành công và có mong muốn mở rộng hợp tác, kết nối và phát triển.
Ông cho rằng trong thời gian tới, để tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới, cần có sự phối hợp, kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Lương Thanh Nghị, từ thực tế cùng trách nhiệm của mình, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn xây dựng một mạng lưới các doanh nghiệp khởi nghiệp người Việt ở Mỹ và Việt Nam.
Trong tháng 1/2018, một diễn đàn tương tự sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục thúc đẩy sự kết nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhận định đây cơ hội quý báu để các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và Mỹ cùng trao đổi cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh.
[Cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo]
Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, để từ đó thành phố sẽ có những bước triển khai phù hợp nhằm đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo.
Chia sẻ về những thành tựu phát triển của Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Việt Nam hiện có mối quan hệ đối tác chiến lược với hơn 20 quốc gia, đồng thời là nền kinh tế cạnh tranh trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại với hệ thống cơ sở hạ tầng tốt đang từng bước hoàn thiện.
Ông Nguyễn Thiện Nhân còn phân tích những thuận lợi và thách thức mà Việt Nam cũng như Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải trong quá trình phát triển, nhất là trong vấn đề đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; cho rằng dù còn không ít khó khăn, nhưng với nỗ lực bền bỉ, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Theo ông, trong quá trình phát triển đó cần có sự đóng góp của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Mỹ và Việt Nam.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển, xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi đầu nhiều hoạt động phát triển kinh tế của Việt Nam như thành lập khu công nghiệp, khu công nghệ cao đầu tiên, hay trung tâm công nghệ sinh học hoạt động rất hiệu quả... Vừa qua, chính quyền thành phố đã công bố Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh.
Trong bối cảnh đó, việc các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt kiều tại Hoa Kỳ về thành phố tìm cơ hội đầu tư là khả thi, có nhiều điều kiện để phát triển.
Về nguồn nhân lực, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 600.000 sinh viên đang theo học tại 80 trường đại học, cao đẳng. Đây là nguồn nhân lực trẻ được đào tạo bài bản. Thành phố cũng là nơi thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao từ nhiều địa phương khác trong cả nước.
Tại đây, hiện còn có khoảng 760 nhà khởi nghiệp (startup) đang được ươm tạo tại 24 "vườn ươm" và 12 không gian hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp. Nguồn lực này có thể đóng nhiều vai trò trong một hệ sinh thái khởi nghiệp như nhà sáng lập doanh nghiệp, nhân viên làm việc cho các công ty khởi nghiệp...
Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi thu hút nguồn đầu tư xã hội lớn với số tiền lên tới 16 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 5,8 tỷ USD; đầu tư của nhà nước cho khoa học công nghệ đạt 60 triệu USD/năm.
Thành phố là nơi tập trung của các mô hình kinh doanh mới, nơi mà các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế dễ dàng được thực hiện bởi điều kiện cơ sở vật chất, giao thông...
Cũng tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công của người Việt tại Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực như khoa học công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm đã chia sẻ những kinh nghiệm và các bài học về đầu tư, xây dựng doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, lựa chọn định hướng phát triển trong vấn đề khởi nghiệp...
Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao thành phố mang tên Bác đã đến thăm Công ty Just, một công ty khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực thực phẩm công nghệ cao tai San Francisco./.