Kết nối đầu tư phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 20/4, tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Ban Kinh tế TW phối hợp với VCCI và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Diễn đàn đầu tư phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Kết nối đầu tư phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc ảnh 1Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Ngày 20/4, tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Diễn đàn đầu tư phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định vùng Trung du và miền núi phía Bắc có rất nhiều tiềm năng và lợi thế. Tuy nhiên, mức độ phát triển và liên kết giữa các tỉnh còn hạn chế.

Để đánh thức tiềm năng của vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, cần sự định hướng và ý chí phát triển thống nhất, mạnh mẽ của các địa phương.

Định hướng phát triển vùng được chỉ rõ là, tập trung bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn và có chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với người trồng rừng, giữ rừng. Đồng thời, phát triển lâm nghiệp bền vững, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản; phát triển hiệu quả các cơ sở khai thác gắn với chế biến sâu các loại khoáng sản.

 [Phú Thọ phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế năng động]

Ngoài ra, phát triển kinh tế vùng biển, tăng cường quản lý Nhà nước, phát huy vai trò kinh tế cửa khẩu; bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước các hồ, đập để điều tiết nước sản xuất và sinh hoạt. Cùng đó, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, thủ đô Hà Nội; khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa và điều kiện thiên nhiên để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái. Từ đó, cần sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong vùng để thúc đẩy cùng phát triển...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho biết diễn đàn tạo sự gắn kết, hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đặc biệt, góp phần thúc đẩy sự kết nối giữa các doanh nghiệp của các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tìm hiểu cơ hội đầu tư. Những vấn đề được thảo luận tại diễn đàn sẽ giúp các tỉnh trong vùng có cơ hội đóng góp hiệu quả hơn, tích cực hơn cho sự phát triển chung của vùng và của các nước.

Thời gian tới, Phú Thọ sẽ cùng với các tỉnh trong vùng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm chủ lực của bùng, phân công trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về nhiều vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của từng địa phương và của toàn vùng trong bối cảnh hiện nay như phân tích tiềm năng, lợi thế và khó khăn, thách thức của các địa phương vùng và yêu cầu đổi mới tư duy phát triển.

Đồng thời, đánh giá về công tác xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng và các địa phương trong vùng, nhất là quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch các ngành và lĩnh vực có tiềm năng như công nghiệp chế biến, nông nghiệp đặc sản, du lịch… Từ đó chỉ ra cơ hội đầu tư thời gian tới.

Kết nối đầu tư phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc ảnh 2Ban tổ chức trao Bằng khen của VCCI cho các doanh nghiệp tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Một số ý kiến cũng làm rõ thực trạng nguồn lực, hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phát triển vùng thời gian qua, nhất là đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách; đánh giá năng lực cạnh tranh của vùng, thực trạng hợp tác và liên kết vùng trong phát triển; đề xuất cơ chế, thể chế, chính sách điều tiết và quản lý vùng phù hợp; nhận định vai trò của từng địa phương trong vùng đối với sự phát triển chung của toàn vùng, chỉ ra các điều kiện để từng địa phương có thể thực hiện vai trò của mình đối với sự phát triển chung…

Vùng Trung du du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh, tổng diện tích 95,2 nghìn km2, chiếm 28,7% diện tích tự nhiên cả nước; dân số 12,73 triệu người, chiếm 13% dân số cả nước. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn vùng đạt 689.200 tỷ đồng, tăng 1,71 lần so với năm 2015. Một số địa phương có quy mô GRDP cao như Thái Nguyên (125.600 tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng GRDP cả vùng); Bắc Giang (121.100 tỷ đồng, chiếm 17,6%). Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái là những địa phương có quy mô GRDP nhỏ, chỉ chiếm từ 1,9-4,8% quy mô toàn vùng.

Tại thời điểm 31/12/2020, vùng có 26.470 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh; trong đó, các tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp là Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên. Toàn vùng có 7,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 ở mức 0,95%, thấp nhất so với các vùng khác và thấp hơn nhiều so với tỷ lê thất nghiệp chung của cả nước (2,48%).

Tại diễn đàn, Ban tổ chức đã trao Bằng khen của VCCI cho các doanh nghiệp tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội vùng Trung du và miền núi Phía Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục