Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tại Hưng Yên

Sản lượng nhãn năm 2021 đạt được là tin vui với các hộ trồng nhãn ở Hưng Yên trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng điều này cũng đặt ra thách thức cho việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tại Hưng Yên ảnh 1Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa các Doanh nghiệp với các Hợp tác xã trồng nhãn. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Ngày 15/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 72 điểm cầu trong và ngoài nước.

Năm 2021, diện tích nhãn lồng cho thu hoạch của Hưng Yên khoảng 4.500ha; trong đó, nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng cao là hơn 1.300ha. Sản lượng nhãn ước đạt khoảng 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15-20%.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sản lượng nhãn năm 2021 đạt được là tin vui với các hộ trồng nhãn ở Hưng Yên trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức cho việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Thông qua chương trình kết nối như hội nghị này, chuỗi cung ứng sẽ được mở rộng và củng cố; đồng thời có thêm nhiều chuỗi cung ứng được hình thành, góp phần đưa nông sản của Việt Nam đi xa hơn và bền vững hơn - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

[Hợp tác xã đầu tiên tại Hưng Yên xuất khẩu nhãn sang thị trường EU]

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, khẳng định tỉnh sẵn sàng đón chào, lắng nghe, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp cận cơ hội kinh doanh và tham gia ký kết các hợp đồng mua bán nhãn cũng như các nông sản của tỉnh; đặc biệt, nông sản Hưng Yên hướng đến thị trường Mỹ, châu Âu, châu Á, nhất là tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).

Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tại Hưng Yên ảnh 2Các đại biểu tham quan và thưởng thức sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh thời gian tới, Hưng Yên tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp cho sản xuất, phân phối tiêu thụ nhãn và nông sản địa phương; phục vụ tốt nhất việc giao thương, kết nối tiêu thụ nhãn và các nông sản khác, không để xảy ra tình trạng được mùa rớt giá.

Ông Hồ Tỏa Cầm - Tham tán công sứ phụ trách kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, khẳng định Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẵn sàng kết nối để tiêu thụ nhãn và các nông sản khác tại Hưng Yên, tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Để làm được điều đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, làm cầu nối giữa tỉnh Hưng Yên và các tỉnh của Trung Quốc; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng nông sản; giới thiệu và khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, chế biến các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đơn vị liên quan định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích, hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đếu tiêu thụ.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra hoạt động “Khởi động chương trình đưa nhãn và nông sản Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử;” chương trình ký kết hợp tác tạo điều kiện lưu thông, tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nhãn và nông sản Hưng Yên tại các kênh phân phối ở thị trường trong nước; sự kiện cắt băng xuất hành đưa nhãn lồng Hưng Yên vào các hệ thống phân phối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục