Bên lề Hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia,” chiều 4/12, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam đã trả lời phỏng vấn báo chí và chia sẻ ý nghĩa của việc thành lập “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ.”
- Xin ông đánh giá kết quả của Hội thảo, đặc biệt việc ra mắt “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ” trong bối cánh hiện nay?
Ông Ngô Hướng Nam: Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước đã thể hiện sinh động việc phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Chúng tôi hy vọng, trong tương lai, mạng lưới không chỉ kết nối chuyên gia kiều bào mà kết nối kiều bào trên rất nhiều lĩnh vực cụ thể, khác nhau để phục vụ phát triển đất nước.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người, trong đó có khoảng 600.000 chuyên gia, trí thức trình độ đại học trở lên. Đây là nguồn lực rất lớn mà chúng ta có thể huy động vào công cuộc phát triển đất nước. Khi nói đến nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, mọi người thường nói đến nguồn tài lực như hằng năm, có từ 17-18 tỷ USD chuyển về trong nước.
Tuy nhiên, chúng ta phải nói đến một nguồn lực lớn nữa, mà chưa thể đong đếm được, đó là nguồn trí lực, trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt những chuyên gia, trí thức hiện nay đang sinh sống, làm việc ở những quốc gia, khu vực đang phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia...
Trong 10 năm gần đây đã xuất hiện phong trào hình thành các hội chuyên gia, trí thức ở các nước và trong khoảng 3 năm gần đây bắt đầu có sự liên kết giữa các hội trí thức xuyên biên giới. Với vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội thảo kết nối các hội trí thức kiều bào ở nhiều nước khác nhau trên thế giới thành một mạng lưới là việc chưa từng có, một hướng đi mới, không chỉ kết nối các chuyên gia, trí thức ở các nước lại với nhau để giao lưu, đóng góp về khoa học, học thuật mà còn kết nối mạng lưới trí thức kiều bào với các cơ quan, nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu trong nước.
[Thủ tướng: Kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời]
Đáng chú ý, ban đầu, chúng tôi dự kiến chỉ có khoảng hơn 10 hội trí thức lớn tham gia mạng lưới. Tuy nhiên, sau khi Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kêu gọi các hội chuyên gia, trí thức kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các hội trí thức kiều bào ở nước ngoài.
Đến nay, chúng tôi đã thu hút được 21 hội chuyên gia, trí thức kiều bào từ 15 quốc gia khác nhau. Hầu hết các hội ở các quốc gia phát triển đều có mặt trong mạng lưới mở này. Chúng tôi hy vọng, trong tương lai toàn bộ hội trí thức kiều bào sẽ tham gia vào mạng lưới này, kết nối chặt chẽ hơn với trong nước.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo trợ cho mạng lưới này. Tuy nhiên, với đặc trưng của một mạng lưới mở, chúng tôi hy vọng, các bộ, ngành, địa phương muốn thu hút nguồn lực như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương... các địa phương cũng có thể tham gia bảo trợ cho mạng lưới này. Mục đích cuối cùng là trở thành mạng lưới rộng rãi cho các chuyên gia, trí thức kiều bào kết nối với trong nước.
Đây là bước khởi đầu quan trọng tạo sự gắn bó giữa chuyên gia, trí thức kiều bào với trong nước và phục vụ sự phát triển của đất nước.
- Xin ông đánh giá những đóng góp của kiều bào, trí thức ở nước ngoài đối với những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước thời gian qua?
Ông Ngô Hướng Nam: Cho đến nay, các chuyên gia, trí thức kiều bào đều có sự gắn bó với trong nước ở góc độ mang tính cá nhân hoặc học thuật, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi "gộp lại" để sự đóng góp mang tính chất của một mạng lưới.
Năm nay là năm đầu tiên Techfest (Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia) vươn ra bên ngoài, kết nối với mạng lưới chuyên gia, trí thức ở nước ngoài. Đây cũng là dấu ấn của Techfest 2021.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã ký kết với Bộ Khoa học và Công nghệ thỏa thuận hợp tác. Trên cơ sở nội dung hợp tác đó, chúng tôi đã kêu gọi các chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia cố vấn cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước. Chương trình cố vấn khởi nghiệp toàn cầu trong Techfest 2021 đã thu hút được hơn 50 chuyên gia làm mentor (cố vấn khởi nghiệp) cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước.
Trên cơ sở thành công đó, chúng tôi xây dựng “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ.” Đó là những bước đi quan trọng mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã kết nối các chuyên gia, trí thức ở nước ngoài với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước. Chúng tôi hy vọng, trong tương lai Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ đồng hành với Bộ Khoa học và Công nghệ mà sẽ đồng hành với các bộ, ngành, địa phương khác ở trong nước để phát huy tối đa nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
- Xin cảm ơn về những chia sẻ của ông!