Kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu: Cần phải có cam kết cụ thể

Đề xuất kéo dài thời gian hiệu lực của Nghị quyết 42, các đại biểu cho rằng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải có những cam kết cụ thể, bởi nếu không sẽ không xử lý được các khoản nợ xấu.
Kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu: Cần phải có cam kết cụ thể ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 25/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 25/5 Quốc hội thảo luận ở tổ về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Ý thức trả nợ rõ ràng

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 42, các đại biểu khẳng định, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những lại chuyển biến rất tích cực, góp phần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%, từng bước bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu.

Phát biểu tại tổ, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) cho biết, sau khi triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14, ý thức trả nợ vay của khách hàng được đẩy lên cao. Khách hàng tìm mọi cách để trả nợ cho ngân hàng.

"Thậm chí, nhiều người không muốn xử lý tài sản đảm bảo họ sẽ tìm hướng trả nợ cho ngân hàng," ông Ấn nói.

[Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nhiều khách hàng chống đối trả nợ ngân hàng]

Ông Ấn cho biết thêm, trong 4 năm vừa qua thực hiện Nghị quyết 42, hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý trên 385.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó khách hàng tự trả là 148.000 tỷ đồng, chiếm gần 39% - đây là kết quả khả quan.

"Kết quả này cũng cho thấy, hoạt động xử lý nợ đã khơi thông nguồn vốn, đưa vốn ứ đọng vào sản xuất kinh doanh và hoạt động kinh tế," ông Ấn nhấn mạnh.

Đề cập thêm lý do cho việc cần thiết phải kéo dài Nghị quyết 42, ông Ấn thông tin, kinh tế vừa qua đại dịch, nhiều doanh nghiệp đang nằm ở trạng thái "chết lâm sàng," một số doanh nghiệp ở tình trạng "ốm yếu." Vì vậy sẽ có những khoản nợ của khách hàng vượt quá nhóm nợ và trở thành nợ xấu.

"Nợ xấu chưa được xử lý trong quá khứ, hiện tại và tới đây là khó khăn mới rõ ràng nợ xấu sẽ không giảm nếu không có cơ chế pháp lý đặc thù. Tiếp tục kéo dài Nghị quyết 42 rất cần thiết, là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức tín dụng, đặc biệt đó còn là sự ủng hộ của Quốc hội, cơ quan tư pháp, chính quyền địa phương để các ngân hàng xử lý tốt nợ xấu," đại biểu Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang) đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 42 đã nâng cao nhận thức của khách hàng trong việc đi vay, trả nợ, có ý thức hợp tác hơn với tổ chức tín dụng trong việc trả nợ, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc thu hồi nợ.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà, hiện nay, số nợ xấu cần xử lý theo Nghị quyết 42 vẫn còn tương đối cao, trong khi đó khách hàng, doanh nghiệp người dân vẫn gặp khó khăn do dịch COVID- 19, cần có thời gian để phục hồi. Nếu dừng lại việc áp dụng Nghị quyết 42 trong khi chưa luật hóa, sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước, tạo hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vĩ mô. Do đó, đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42.

Cần phải có cam kết cụ thể

Đánh giá cao với kết quả đã đạt được từ việc triển khai Nghị quyết 42, tuy nhiên đại biểu Bùi Huyền Mai cho rằng, 2 mục tiêu của Nghị quyết 42 đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Đại biểu Mai nhớ lại, năm 2017 khi nợ xấu tăng cao lúc đó Quốc hội có Nghị quyết 42 với 2 mục tiêu hướng tới là hình thành thị trường mua bán nợ xấu phù hợp, tạo hành lang pháp lý về quyền thu thu giữ tài sản đảm bảo.

"Như báo cáo trước Quốc hội, tôi đồng với cách tính kết quả về xử lý nợ xấu nhưng cá nhân tôi đánh giá mục tiêu cơ bản nhất có thể nói là Nghị quyết 42 đạt được là ý thức trả nợ của khách hàng - đó là mục tiêu duy nhất chúng ta đạt được," đại biểu Mai nhận xét.

Đại biểu Mai nêu, hiệu quả xử lý nợ xấu thực tế trong thời gian có Nghị quyết 42 chưa đạt kỳ vọng của Quốc hội. Đặc biệt, 2 mục tiêu nêu trên như thị trường mua bán nợ sau 5 năm vẫn còn rất sơ khai. Công cụ và hành lang phát lý về thị trường mua bán nợ chưa đồng bộ, trên thực tế chỉ có 2 công ty thực hiện là Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), trong khi đó VAMC chưa xử lý được nhiều nợ xấu. Trong khi đó, mục tiêu thứ 2 là quyền thu giữ tài sản thực tế vẫn còn rất vướng mắc.

Bà Mai nói thêm, mong muốn của các tổ chức tín dụng là khi phát sinh nợ xấu sẽ có cơ chế và hành lang pháp lý phù hợp thu giữ tài sản đảm bảo nhưng trên cơ sở giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn, mặc dù có văn bản hướng dẫn nhưng thực tế chưa có vụ nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn tại tòa án. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục "phình" ra, nguy cơ nợ xấu tiếp tục phát sinh.

"Tôi nhất trí với chủ trương tiếp tục kéo dài thời gian hiệu lực của Nghị quyết 42 nhưng phải có cam kết cụ thể, bởi nếu không chúng ta sẽ không xử lý được các khoản nợ xấu hiện hữu và còn có nguy cơ tiếp tục phát sinh thêm như thực tế hiện nay, lúc đó trách nhiệm sẽ thuộc về ai?" đại biểu Bùi Huyền Mai nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục