Mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Curtin (Australia) đã công bố kết quả một nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân mắc ung thư phổi có thể kéo dài thời gian sống nếu họ dành khoảng 5 phút mỗi ngày để vận động thể chất.
Để đưa ra kết luận trên, nhóm chuyên gia tại Trường Y khoa Curtin và Viện nghiên cứu Curtin enAble thuộc Đại học Curtin đã theo dõi lịch sử vận động thể chất hằng ngày của gần 90 bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối và không thể phẫu thuật.
Dựa trên dữ liệu này, các chuyên gia so sánh tỷ lệ tử vong của bệnh nhân sau 12 tháng kể từ thời điểm được chẩn đoán.
Kết quả cho thấy những người dành trung bình hơn 4,6 phút mỗi ngày để vận động thể chất cường độ từ trung bình đến mạnh (chẳng hạn như đi bộ) có nguy cơ tử vong thấp hơn 60% so với những người ít vận động hơn hoặc hầu như không vận động.
Trưởng nhóm nghiên cứu - Phó Giáo sư Vin Cavalheri - nhận định phát hiện này có thể mở ra hướng điều trị mới cho những người mắc bệnh ung thư phổi không thể phẫu thuật, đặc biệt là ở giai đoạn sớm.
Ông cũng cho biết: “Mối liên hệ giữa mức độ hoạt động thể chất cao hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn củng cố những kết quả nghiên cứu trước đây ở người trưởng thành nói chung và những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nói riêng. Nếu mối liên hệ này được xác nhận, các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng ở những người mắc bệnh ung thư phổi không thể phẫu thuật sẽ được tiến hành, với các biện pháp can thiệp được thiết kế để cải thiện mức độ hoạt động thể chất.”
Phẫu thuật thường không được chỉ định đối với những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối có các dấu hiệu như di căn xa, tràn dịch màng phổi, hội chứng Horners, liệt dây thanh âm, liệt dây thần kinh hoành và hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên.
Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới.
Theo thống kê về dịch tễ bệnh ung thư toàn cầu của Globocan (trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Trong đó, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 26.262 ca mắc mới ung thư phổi và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.
Thuốc lá là nguyên nhân chính, chiếm trên 90% gây ra bệnh ung thư phổi và trên 30% gây ra các loại ung thư khác tại Việt Nam.
Mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới ung thư, trên 122.000 trường hợp tử vong. Hiện, có khoảng 354.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.
Ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác, nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì hiệu quả điều trị bệnh càng cao.
Để phòng chống ung thư phổi cũng như nhiều bệnh ung thư khác và các bệnh không lây nhiễm, người dân cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, vì hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác.
Bên cạnh đó, phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên rèn luyện sức khỏe và mỗi người phải có thói quen khám sức khỏe định kỳ./.