Kéo dài chu kỳ tăng trưởng ngành cá tra: Vẫn còn những nỗi lo

Giá cao, tăng trưởng nóng có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng trong sản xuất khiến chất lượng sản phẩm giảm sút; thời tiết, khí hậu và rào cản thương mại cũng là thách thức đối với cá tra Việt Nam.
Kéo dài chu kỳ tăng trưởng ngành cá tra: Vẫn còn những nỗi lo ảnh 1Chế biến cá tra nguyên con xuất khẩu tại nhà máy chế biến thủy sản của Tập đoàn Sao Mai (An Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việc giá cá tra đã tăng rất cao là cơ hội để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, giá cao, tăng trưởng nóng cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tình trạng lạm dụng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng.

Ngoài thời tiết, khí hậu thì thị trường và rào cản thương mại cũng đang là thách thức đối với ngành hàng cá tra Việt Nam.

Thấp thỏm lo lắng

Dù giá cá tra đang ở mức cao nhưng nhiều người nuôi cá ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thừa nhận "vui chưa trọn vẹn."

Theo ông Trần Văn Tuấn, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, với giá cá tra hiện nay, người nuôi cá thu về lợi nhuận gần 4.000 đồng/kg nhưng cũng không đủ để bù đắp chi phí “gồng gánh” qua hai năm dịch bệnh COVID-19.

Chưa kể, diện tích ao cá tra để bán đúng vào thời điểm giá cá cao cũng rất ít, nên người nuôi ở quy mô cá thể, hộ gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Với giá bán 30.000 đồng/kg (loại cá khoảng 730gram), ông Lý Văn Lung, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ vừa xuất bán khoảng 130 tấn cá tra. Đây là lứa cá được thả nuôi từ năm 2021, thời điểm đó giá cá giống thấp nên ông Lung ước tính với giá bán 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, còn lãi khoảng 8.000 đồng/kg.

Đây là giá cá "mơ ước" từ ba năm nay của ông Lung. Thế nhưng ông Lung không vui mừng nhiều bởi vụ cá tiếp theo không biết sẽ tính như thế nào vì giá cá giống, giá thức ăn liên tục tăng cao.

"Nếu giá cá giống cao, giá thức ăn tăng mà giá cá bán ra hạ thấp thì sợ sẽ bị lỗ," ông Lung cho biết.

Mặc dù, giá bán cá tăng cao và được dự đoán sẽ kéo dài trong năm nay. Nhưng theo phản ánh của người nuôi, thức ăn cho cá, giá cá giống cũng có dấu hiệu "đẩy giá" điều này khiến chi phí đầu tư tăng, đồng nghĩa với lợi nhuận cá bán ra cũng vì thế giảm sút.

Với người nuôi cá tra, giá bán cá thương phẩm cao thì vui nhưng cũng nhiều nỗi lo lắng.

Anh Lý Kim Chín, khu vực Thới Thạnh, phường Thới An có 6.000m2 diện tích mặt nước nuôi cá tra. Cá trong ao được anh thả nuôi khoảng 3 tháng, dự kiến khoảng tháng Bảy, tháng Tám cá của anh Chín có thể xuất bán.

Theo dự báo trong năm nay, giá cá sẽ cao nên anh rất mong chờ sẽ "vớt" được lợi nhuận bù lại cho hai năm lỗ. Nhưng theo anh Chín, giá cá thương phẩm phải từ 30.000 đồng/kg trở lên thì người nuôi mới có lời.

"Lúc tôi mua giá cá giống khoảng 47.000 đồng/kg (40 con); thức ăn hiện tăng lên 13.100 đồng/kg, từ cuối năm 2021 đến nay đã tăng 500 đồng/kg. Tính toán, mỗi kg cá từ lúc nuôi đến khi bán thì chi phí khoảng 24.000-24.500 đồng. Những người nuôi có cá bán đợt này nếu thả lại giá cá giống đã tăng lên 50.000 đồng/kg nên giá cá thương phẩm khi đó phải tăng, còn nếu giảm là lỗ nặng," anh Chín phân tích.

Trong khi đó, với mức giá cá thương phẩm cao như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp cũng không khỏi lo lắng vì nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt.

Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Việt cho biết, sau dịch COVID-19, nguyên liệu khan hiếm, đặc biệt là cá tra nằm trong kích cỡ xuất khẩu, có trọng lượng bình quân 1kg/con, nhiều doanh nghiệp lớn tranh nhau mua... đã đẩy giá cá tăng cao.

Với sản lượng xuất khẩu cá từ 8.000-10.000 tấn/tháng, Tập đoàn Nam Việt cũng đang thiếu nguyên liệu vì cá nuôi chưa đủ chuẩn xuất khẩu.

"Hiện cá tra nguyên liệu của doanh nghiệp không đủ đáp ứng nên phải thu mua thêm ở ngoài rất nhiều," ông Doãn Tới cho biết.

Theo ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, giá bán cá tra thương phẩm loại từ 0,8-1,2kg/con đang dao động từ 28.000-32.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cá tra cho biết nguyên liệu sản xuất thức ăn đang khan hiếm và giá vẫn đang tiếp tục tăng.

Kéo dài chu kỳ tăng trưởng ngành cá tra: Vẫn còn những nỗi lo ảnh 2Cấp đông sản phẩm cá tra philê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia (IDI) ở khu công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

"Trong thời gian tới có khả năng sẽ thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu do người nuôi "treo ao" khoảng 15% diện tích, do thua lỗ 3 năm liên tiếp, cộng giá thức ăn tăng, người nuôi thiếu vốn đầu tư...," ông Dũng nhận định.

Nhiều thách thức

Ngoài những rủi ro mà người nuôi cá tra Đồng bằng sông Cửu Long phải đối diện trong thời gian tới khi mùa khô bắt đầu, xâm nhập mặn đã được dự báo sắp diễn ra, dịch bệnh nuôi trồng,... thì thị trường cung cầu, những quy định từ các hiệp định tự do thương mại... được xem là thách thức với người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, theo dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, khả năng tập trung trong khoảng tháng Hai đến tháng Tư, nguồn nước giảm và tình trạng xâm nhập mặn tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh.

[Khó khăn cho ngành thủy sản Việt Nam trước căng thẳng Nga-Ukraine]

Ngoài thời tiết, khí hậu thì thị trường và rào cản thương mại cũng là thách thức đối với ngành hàng cá tra. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta tham gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường như EU, Hoa Kỳ...

Tuy nhiên, những yêu cầu ngày càng khắt khe từ trường nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng cá tra nước ta phải nỗ lực để đáp ứng.

"Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động thanh kiểm tra trực tiếp của Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đối với toàn chuỗi cá tra có thể sẽ nối lại. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành lệnh 248, Lệnh 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Hai lệnh này có thể sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh; trong đó có cá tra," ông Nhữ Văn Cẩn nhận định.

Trong khi đó, theo đại diện Cục Thú y, đến nay, cả nước có 258 cơ sở chế biến cá tra được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và có tên trong danh sách được phép xuất khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lập danh sách như: EU, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, vẫn còn các cơ sở không thực hiện việc xây dựng và triển khai chương trình giám sát tại cơ sở theo đúng yêu cầu của các thị trường.

Trước thực trạng dịch bệnh trên cá tra diễn biến còn phức tạp, ngày càng nhiều nước sử dụng quyền của mình theo quy định của quốc tế về giám sát dịch bệnh để tạo ra các hàng rào kỹ thuật, gây khó khăn cho việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Theo bà Tô Thị Tường Lan, Hiệp hội VASEP, tuy dịch bệnh COVID-19 đã giảm căng thẳng nhưng chưa chấm dứt vẫn là thách thức cho chuỗi cung ứng; chi phí leo thang, tình hình vận tải biển vẫn chưa có giải pháp tích cực; lạm phát tăng tại Mỹ có thể khiến sức mua giảm, do đó sức mua tăng đột biến như năm 2021 khó xảy ra.

"Nếu cước tàu biển, logistics, lao động tiếp tục đứng ở mức cao như hiện tại và tăng thêm thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng thêm nhiều hơn nữa," ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp) cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục