Kéo co ngồi và kéo mỏ - 2 trò diễn độc đáo cần bảo tồn của Hà Nội

Trò diễn kéo co ngồi hội đền Trấn Vũ (quận Long Biên) và kéo mỏ hội đền Vua Bà (huyện Sóc Sơn) đang được thành phố Hà Nội đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Kéo co ngồi hội đền Trấn Vũ (quận Long Biên) và kéo mỏ hội đền Vua Bà (huyện Sóc Sơn) là hai loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đang được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng hai địa phương xây dựng các biện pháp gìn giữ, bảo vệ.

Quận Long Biên và huyện Sóc Sơn phát huy tính tự quyết, tự chủ của cộng đồng; khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham dự vào việc chuẩn bị, tổ chức và thực hành di sản, trong đó quan tâm đến sự tham gia của thế hệ trẻ.

Để bảo vệ giá trị cốt lõi của di sản, trong quá trình tổ chức và thực hiện trò diễn, các cơ quan quản lý văn hóa cũng đề nghị Ban tổ chức hội tôn trọng các nguyên tắc của trò diễn.

Cán bộ địa phương cũng như người dân sẽ được trang bị và nâng cao nhận thức đúng về di sản, để không biến các trò nghi lễ này thành một trò diễn mang tính thể thao thuần túy hay một trò vui giải trí đơn thuần trong phần hội khi tổ chức các lễ hội.

Các địa phương cũng chú trọng phát huy vai trò các cụ cao niên và tăng cường giáo dục, trao truyền kiến thức về di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đề xuất hai địa phương cần sớm có những nghiên cứu để có định hướng bảo tồn, quy hoạch không gian cho di tích và không gian cho trò kéo co, kéo mỏ.

Với trò diễn kéo co ngồi, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đề nghị quận Long Biên củng cố tính thiêng liêng của trò diễn trong cộng đồng dân cư phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội mới.

Trước đây niềm tin - giá trị cốt lõi của trò là cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt nhưng đến nay ruộng đất vùng này không còn nữa nên tính thiêng này có nguy cơ mất đi.

Một mặt, việc tổ chức trò diễn nghi lễ kéo co ngồi bị hành chính hóa, biến thành một môn thể thao đơn thuần, không gắn với tâm linh hoặc đã bắt đầu nặng về tính giải trí hơn, coi nhẹ tính tâm linh.

Cũng do quá trình đô thị hóa nhanh, việc tìm một khoảnh đất rộng kéo co cũng khó, chỉ còn sân đền nên không thể đông người tham gia.

Trước kia, kéo co được thực hành ở ruộng, ranh giới là bờ. Ngay cả dây kéo co, nếu trước là cây song thì nay được thay bằng dây thừng.

Kéo mỏ hội đền Vua Bà hầu như không bị biến đổi qua thời gian, vẫn là một hội làng mang đậm nét dân dã, tự nhiên với những tính thiêng vốn có của nó.

Trò diễn kéo co ngồi hội đền Trấn Vũ (quận Long Biên) và kéo mỏ hội đền Vua Bà (huyện Sóc Sơn) đang được thành phố Hà Nội đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghi lễ và trò chơi kéo co cũng đang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị xây dựng hồ sơ cùng với các quốc gia khác trình UNESCO công nhận là di sản đa quốc gia.

Do vậy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng huyện Sóc Sơn, quận Long Biên đang tích cực xây dựng các biện pháp bảo vệ giá trị truyền thống của trò kéo mỏ và kéo co ngồi.

Kéo co ngồi hội đền Trấn Vũ (quận Long Biên) được tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch gắn với ngày Đức Thánh Trấn Vũ đản sinh; đội nào thắng sẽ mang lại may mắn cho xóm làng.

Còn kéo mỏ là một trong bốn trò diễn mang tính nghi lễ trong hội đền Vua Bà (huyện Sóc Sơn) tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng âm lịch để cầu mong mùa màng bội thu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục